Năm 2020, HĐND TP.Đà Nẵng ra Nghị quyết 334 hỗ trợ mức chi công tác dự phòng nghiện, cai nghiện và sau cai. Địa phương cùng Đoàn thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ kèm cặp thanh thiếu niên chậm tiến bằng cách vận động trở lại trường, học nghề, hỗ trợ sinh kế, cho vay vốn làm ăn…
Trong 19 bị cáo băng nhóm thanh thiếu niên gây 3 vụ giết người chỉ trong 3 tháng, có rất nhiều trường hợp phụ huynh không sâu sát với con em của mình |
NGUYỄN TÚ |
Đây là những giải pháp hiệu quả trong bối cảnh xã hội và không gian mạng hiện tác động rất lớn đến thanh thiếu niên. Các băng nhóm giang hồ mạng, tụ tập làm “quái xế”, hỗn chiến ngày càng nhiều cho thấy thực trạng trẻ hư đáng báo động.
Cảm hóa trẻ hư là công tác cam go, nhưng nghịch lý ở chỗ đội ngũ làm nhiệm vụ gặp khó khăn lớn nhất lại từ phía gia đình các em. Nhiều phụ huynh không chỉ không quan tâm, bỏ mặc trẻ chậm tiến cho địa phương cảm hóa, mà còn bất hợp tác, không tiếp, thậm chí thiếu tôn trọng. Nên ở một số nơi, đoàn thể có lúc “hụt hơi”.
Do đó, cần thêm sự góp mặt của lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án trong đội ngũ này để tăng tính răn đe và với kiến thức pháp luật, có thể giáo dục, cảm hóa cho chính… phụ huynh các em để cùng đồng hành.
Năm 2010, lãnh đạo TP.Đà Nẵng lần đầu tiên đối thoại với trẻ hư, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng nhằm khích lệ các em trở lại trường hoặc học nghề, đi làm, xa rời bạn xấu. Hàng trăm trẻ hư cũng đi tham quan trường giáo dưỡng, trại giam và một khu du lịch khá nổi tiếng ở địa phương với thông điệp: Lãnh đạo TP luôn quan tâm cảm hóa tiến bộ nhưng cũng sẵn sàng mở rộng trại giam, trường giáo dưỡng để “đón” trẻ hư.
Cần những biện pháp vừa mềm mỏng vừa cứng rắn như vậy; đồng thời xem giáo dục con em là việc cả xã hội chung tay, trong gia đình là cốt lõi thì “cuộc chiến” giành lại trẻ ngoan mới có cơ thắng trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp với nhiều nguy cơ, nhất là mối nguy trên không gian mạng.
Bình luận (0)