Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công văn chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng các bộ, ban ngành liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng trước ngày 1.4.
Nguồn lây bệnh chết người
Đây là công văn phản hồi chính thức của Thủ tướng cho Thư ngỏ của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên kiến nghị đóng cửa thị trường động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp tại Việt Nam.
Cụ thể, sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lây lan sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, đại diện các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị về việc Việt Nam cần xác định và đóng cửa các chợ cùng các địa điểm buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, nhằm ngăn dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn.
Theo các tổ chức này, cũng như đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 từng cướp đi sinh mạng của 5 người Việt, chủng vi rút Corona mới gây bệnh Covid-19 được cho là lây từ ĐVHD sang người do tiếp xúc gần ở một chợ hải sản tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi diễn ra tình trạng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Hoạt động buôn bán ĐVHD là một nguyên nhân gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và ĐVHD.
Điểm lại lịch sử, không ít đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy mối liên hệ rõ với các ổ chứa vi rút trong các quần thể ĐVHD. Dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia, khiến 774 người tử vong, vốn xuất phát từ một chủng vi rút Betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata). Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát vào năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người cũng bắt nguồn từ một chủng vi rút
Corona khác truyền qua lạc đà tới con người. Dịch tả lợn châu Phi gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác cũng gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng và được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi. Tính đến cuối năm 2019, toàn bộ 63 tỉnh, thành Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ dịch này với hơn 5 triệu con lợn bị tiêu hủy.
“Bài học từ dịch SARS và nay là Covid-19 rất rõ ràng: Các chủng vi rút mới sẽ tiếp tục lây truyền từ ĐVHD sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ ĐVHD. Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam và một số nước khác đã chứng minh vi rút Corona chủng mới tồn tại trong quần thể ĐVHD và buôn bán ĐVHD tạo cơ hội cho những vi rút này lây từ ĐVHD sang người”, chuyên gia bảo tồn thiên nhiên nhấn mạnh.
Ngang nhiên buôn bán, tiêu thụ
Thực tế, tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD diễn ra phổ biến tại Việt Nam nhiều năm qua dưới nhiều hình thức. Trong tháng 2 vừa qua, Thanh Niên có loạt bài Rước họa vì ăn thịt “lạ”, cho thấy việc ăn thịt các loại ĐVHD, “độc”, “lạ” để thể hiện “đẳng cấp” dân chơi, hay đơn giản chỉ muốn trải nghiệm “cái mới”... đã khiến không ít người rước họa vào thân, từ lây nhiễm bệnh tật đến mất mạng do nhiều ký sinh trùng chết người ẩn chứa trong ĐVHD. Việc săn bắt ĐVHD có thể khiến người liên quan đối diện với nguy cơ tù tội.
|
|
Cách đây gần 2 năm, Thanh Niên đã phản ánh tình trạng chợ nông sản tận diệt chim trời với hình ảnh hàng ngàn con chim lớn nhỏ đủ loại bị săn bắt từ tự nhiên đang hoảng loạn, run rẩy, đờ đẫn trong các lồng sắt hoặc bị trói chân treo ngược lên thành từng chùm tại chợ nông sản Thạnh Hóa (H.Thạnh Hóa, Long An). Bên cạnh các loài chim, các loài ĐVHD khác như rùa, rắn… cũng rất nhiều. Chưa kể có nhiều loại cò được giới thiệu là quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chợ bán chim cò, ĐVHD này là chợ tự phát với khoảng 50 hộ kinh doanh các loại nông sản nói chung. Trước đây, có xảy ra một số tình trạng buôn bán cả các loài nằm trong danh mục cấm. Lãnh đạo huyện biết mà không xử lý triệt để được.
Các tổ chức đánh giá bất chấp những nỗ lực cải cách chính sách và tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD, tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều dòng sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp được chuyển từ thị trường quốc tế đến và qua Việt Nam.
Đóng cửa các chợ, nhà hàng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dãĐể đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng cũng như vì mục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán, tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp tại Việt Nam thông qua các hành động cụ thể như: xác định và đóng cửa các chợ, các địa điểm có buôn bán ĐVHD bất hợp pháp; xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán trái phép các sản phẩm thịt ĐVHD.
Đồng thời, cần ban hành các quy định bắt buộc với tất cả nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp. Xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại.
Song song đó, cải cách thủ tục tư pháp để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD. Nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân về những rủi ro của việc tiêu thụ ĐVHD đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng.
|
Bình luận (0)