Cẩm nang tuyển sinh 2018 của Báo Thanh Niên: Chọn ngành học phù hợp với thời cuộc

22/02/2018 08:07 GMT+7

Tập trung vào việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, cách ứng xử của người trẻ trước sự thay đổi, phát triển của nghề nghiệp trong tương lai để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống là chủ đề quan trọng của Cẩm nang tuyển sinh 2018 của Báo Thanh Niên.

Dày hơn 200 trang, Cẩm nang tuyển sinh 2018 do Báo Thanh Niên ấn hành có tới gần phân nửa số bài viết về cách chọn ngành học dành tặng thí sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng: Chọn ngành học trong bối cảnh nhiều cơ hội và không ít thách thức như hiện nay.
Chọn ngành có việc làm tốt
Gần đây cả thế giới nhắc đến khái niệm “công nghiệp 4.0”, “trí tuệ nhân tạo” với nhiều lo ngại về thực tế máy móc đang dần thay thế con người trong công việc. Điều này đặt ra thách thức, con người không chỉ cạnh tranh với chính mình mà còn với cả máy móc trong việc tìm một công việc nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời vẫn nuôi dưỡng được hoài bão tốt đẹp. Trước bối cảnh này, việc lựa chọn ngành và trường học của thí sinh sau khi hoàn tất bậc học phổ thông đòi hỏi cần quan tâm tới nhiều yếu tố hơn.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, lựa chọn ngành học cần phù hợp và đúng sở trường. Nhưng nếu bắt buộc phải lựa chọn một trong 2 thứ thì tiên quyết là chọn được ngành học yêu thích, chính sự đam mê sẽ nuôi dưỡng nỗ lực để tiến tới thành công. Quan điểm chung là vậy còn trong từng trường hợp và khối ngành cụ thể, Cẩm nang tuyển sinh 2018 sẽ đưa ra những lời khuyên riêng.
Đáng chú ý là các bài viết của chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chọn ngành cần theo 4 bước: xác định rõ đam mê, tìm hiểu xu hướng ngành nghề, lập danh sách trường phù hợp, định hướng theo nguồn lực gia đình.
Ở góc nhìn của người nhìn thấy tương lai việc làm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng người lao động bắt buộc phải thay đổi tư duy để bảo vệ mình trước nguy cơ thất nghiệp khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Riêng với các bậc phụ huynh, ấn phẩm cũng có nhắn nhủ riêng qua bài viết có tựa đề Cha mẹ không nên quyết định thay con.
Hấp dẫn không kém là những bài viết phân tích các xu hướng và yêu cầu đặt ra của thị trường lao động ở những nhóm ngành nghề cụ thể: kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, nông nghiệp... Đặc biệt là những công việc mới hoặc đang là xu hướng hấp dẫn nhiều người trẻ như: SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), lập trình viên, thông dịch viên...
Bên cạnh xu hướng ngành nghề tương lai, để có cơ hội trúng tuyển cao nhất, thí sinh cần biết rõ khả năng của mình. Ở chuyên mục tham khảo mùa thi 2017, thí sinh có thể xác định điều này thông qua việc tra cứu điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 theo từng nhóm ngành của các trường.
Học thế nào cho hiệu quả ?
Chọn đúng ngành rất quan trọng, nhưng “chìa khóa” để thực hiện hoài bão lại cần có thực lực, cụ thể ở đây là điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tự tổ chức. Vì vậy, một phần nội dung quan trọng của cẩm nang là hướng dẫn cách ôn tập và làm bài thi hiệu quả.
Mùa thi luôn áp lực nhưng nếu biết cách, thí sinh có thể biến áp lực thành động lực để có được thành công ngoài mong đợi. Đúng như tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói: “Học khôn ngoan sẽ không gian nan, biết cách học sẽ không cực nhọc”. Vậy học như thế nào mới đúng trong kỳ thi năm nay?
Nhìn từ bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia lần đầu xuất hiện năm 2017 và đề tham khảo năm 2018, các giáo viên cho rằng học sinh khi ôn tập các môn này không nên chỉ chú trọng vào việc học thuộc lòng...
Hầu hết các môn, bài trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn). Có thể nói đây là hình thức thi mới ở nhiều môn, bài thi khi chỉ được tổ chức lần đầu tiên vào năm ngoái. Theo chuyên gia, để đạt điểm cao ở bài thi trắc nghiệm, bên cạnh nắm vững kiến thức, cần thiết phải có kỹ thuật làm bài tốt. Vấn đề này thí sinh có thể tham khảo bài viết “Chiến thuật” học và thi trắc nghiệm được đặt ở trang đầu tiên của chuyên mục Hướng dẫn ôn tập và làm bài thi trong cuốn sách.
Với những phần khó “ăn” điểm trong kỳ thi này, cẩm nang cũng có những bài viết tư vấn chuyên sâu như: kỹ thuật đọc hiểu môn tiếng Anh, rèn cách viết một đoạn văn, nên thuộc một vài công thức tính nhanh môn toán…
Cẩm nang tuyển sinh 2018 do Báo Thanh Niên thực hiện sẽ được phát hành rộng rãi trên các sạp báo và nhà sách toàn quốc vào ngày mai 23.2.
Nhiều thông tin dành cho tân sinh viên
Không chỉ định hướng chọn ngành và ôn thi, Cẩm nang tuyển sinh 2018 của Báo Thanh Niên còn cung cấp nhiều thông tin bổ ích dành cho tân sinh viên. Đó là các bài viết về cách học tốt chương trình bậc ĐH, những lưu ý khi học theo tín chỉ, học cùng lúc 2 ngành… Tân sinh viên sẽ có đầy đủ thông tin cần thiết cho ngày đầu bước chân vào giảng đường ĐH như: tìm ký túc xá, tìm việc làm thời vụ, bản đồ xe buýt, tìm nhà trọ, chi tiêu tài chính hợp lý... Đó còn là cách vượt qua khó khăn khi xa nhà, cảm giác lạc lõng và bỡ ngỡ trong môi trường xa lạ, thậm chí muốn bỏ cuộc giữa chừng của năm đầu tiên ĐH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.