Trường ĐH Tài chính-Marketing vừa ban hành quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường. Bộ quy tắc giúp sinh viên nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm cộng đồng, định hướng các mỗi quan hệ theo tính nhân văn, nâng cao khả năng thích ứng với xã hội. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để giám sát người học trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, các quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT.
Đáng chú ý trong đó là điều 6 quy định về ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường.
Nội quy ghi rõ, sinh viên phải kính trọng, lễ phép, đúng mực với cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường. Thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự "tôn sư - trọng đạo".
Đặc biệt, trường này nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường.
Ngoài ra, sinh viên cần có thái độ tích cực khi bày tỏ ý kiến và nguyện vọng của mình, của tập thể, các đơn vị trực thuộc trường và từng cán bộ, giảng viên, nhân viên trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, trung thực và mang tính xây dựng.
Về việc này, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết quy tắc ứng xử này được xây dựng theo thông tư của Bộ GD-ĐT về Quy chế công tác sinh viên và chỉ đạo của bộ về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong học đường. Trước khi ban hành những quy tắc này trường đã lấy ý kiến của các tổ chức, sinh viên và nhận được sự thống nhất cao.
Cũng theo tiến sĩ Đạo, quy tắc này mang tính định hướng, động viên người học có ứng xử đúng đắn, giúp người học nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng kỷ cương, nề nếp. Đồng thời định hướng các mối quan hệ theo tính nhân văn, nâng cao khả năng thích nghi xã hội và xây dựng môi trường học tập lành mạnh.
Tiến sĩ Đạo nhấn mạnh: "Trường muốn sinh viên chín chắn trong phát ngôn, tìm hiểu rõ ngọn ngành của mỗi sự việc khi đưa lên mạng xã hội bởi thời đại hiện nay một thông tin xấu, không đúng sự thật sẽ lan truyền rất nhanh và gây hậu quả lớn".
Tuy nhiên tiến sĩ Đạo cũng thừa nhận, nội quy đưa ra như vậy nhưng việc kiểm soát sinh viên lên mạng nói xấu nhà trường, giảng viên rất khó. Ông mong sinh viên nâng cao ý thức tự chấp hành ứng xử chuẩn mực trong trường học và trên các trang mạng.
tin liên quan
Thu hồi các quyết định kỷ luật 8 học sinh xúc phạm thầy cô trên Facebook
Liên quan việc này, trước đó như Thanh Niên đã thông tin, ngày 23.10, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP,Thanh Hóa) đã ra các quyết định kỷ luật 8 học sinh lớp 10A5. Cụ thể, có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. Các học sinh bị kỷ luật đều với lý do “dùng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên và nhà trường, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường”.
Vụ việc được Trường THPT Nguyễn Trãi phát hiện từ ngày 1.10, khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhóm học sinh trên liên tục buông lời lẽ xúc phạm thầy cô, nói xấu nhà trường. Tuy nhà trường đã mời phụ huynh lên làm việc và nhắc nhở học sinh nhưng sau đó các học sinh vẫn tiếp tục nói xấu, xúc phạm thầy cô.
Nhận thấy vấn đề ngày càng nghiêm trọng, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi đã thu thập tài liệu, chứng cứ, đồng thời thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý học sinh vi phạm.
Tuy nhiên đến hôm nay (1.11), Sở Giáo dục – Đào tạo Thanh Hóa chỉ đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi ra quyết định thu hồi các quyết định kỷ luật 8 học sinh lớp 10 mà Ban giám hiệu ban hành trước đó để xem xét lại hình thức kỷ luật phù hợp với vi phạm.
Bình luận (0)