Trong đó có 6 bài của học sinh Trường THPT chuyên Quốc học - Huế, còn lại chia đều cho tất cả những trường THPT trong toàn tỉnh - kể cả những trường huyện.
Với đặc thù bộ môn, điểm 10 bài thi môn văn là thang điểm mà giám khảo sẽ rất thận trọng và thường được cả hội đồng giám khảo thẩm định hết sức chặt chẽ. Thế nhưng những bài thi điểm 10 này đã khiến những thành viên ban giám khảo chúng tôi sửng sốt về ý tưởng, sự sáng tạo, bút lực, cách diễn đạt và kỹ năng tiếp cận đề của các em.
Chẳng hạn ở câu 2, câu nghị luận xã hội bàn về sự dối trá, ngoài những ý tưởng tuân thủ yêu cầu đáp án, các bài viết đã đưa ra những kiến giải mang tính phản biện. Đặc biệt, các em đã sử dụng đặc trưng ngôn ngữ của văn phong chính luận, khá gần với thể loại báo chí để triển khai ý tưởng trước một vấn đề mang tính thời sự là thói dối trá trong xã hội hiện nay. Riêng câu 3 (phân tích một đoạn thơ), các em đã có ý thức phân tích, bình giảng lồng ghép giữa nội dung và nghệ thuật với giọng văn đầy cảm xúc, câu văn mượt mà, sinh động.
Với hai câu kết trong đoạn thơ Việt Bắc (Tố Hữu): “Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều/Chày đêm nện cối đều đều suối xa”, có thí sinh còn cho rằng, câu thơ khép mà mở, khép bằng yếu tố động mà lại mở bằng yếu tố tĩnh. Khép lại bằng tiếng mõ, tiếng chày đêm, tiếng suối xa... mà mở ra trong lòng người đi kháng chiến cả một nỗi niềm nhớ nhung, hoài niệm về tình yêu quê hương đằm thắm, thiết tha… Ý tưởng này của bài viết bổ sung một cách cảm nhận mới, chưa đề cập trong đáp án.
Bởi thế, giữa lúc việc dạy, học văn còn nhiều điều bàn cãi; văn vẫn là một môn học nhàm chán đối với số đông học sinh thì những bài văn trên khiến chúng tôi - những giáo viên dạy văn - vô cùng vui sướng. Vì vậy chúng tôi muốn cảm ơn đến các em có bài thi môn văn đạt điểm tối đa ở Thừa Thiên - Huế và cả nước.
Bạch Lê Quang
(giáo viên môn ngữ văn)
Bình luận (0)