Cấm tài sản ảo không khả thi, có thể quản lý Bitcoin tương tự USD?

13/03/2024 20:36 GMT+7

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, đối với quản lý tài sản ảo, đã đến lúc muốn thờ ơ cũng không được mà phải có sự lựa chọn mang tính chiến lược và có thể xem xét quản lý như với USD.

Tổng giá trị tài sản ảo dự kiến lên tới 16.000 tỉ USD vào 2030

Phát biểu tại hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo (VA) do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 13.3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch VBA, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết năm 2023, lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đã đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là danh sách xám).

Đồng thời, FATF đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cấm tài sản ảo không khả thi, có thể quản lý Bitcoin tương tự USD?- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

ĐT

"Đây là điều hết sức nguy hiểm vì uy tín của quốc gia bị ảnh hưởng. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quốc gia nằm trong danh sách xám có thể bị tác động đáng kể tới nền kinh tế, tác động trực tiếp đến GDP, rất thiệt thòi", ông Hùng nói.

Ông Hùng nhìn nhận, việc mới đây Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VA cùng các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP) và đưa ra thời hạn cụ thể là tháng 5.2025 là hành động rất quyết liệt nhằm khôi phục uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Đề cập tới quản lý VA, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực VBA, nhấn mạnh: "VA là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030.

Việc cấm VA là không khả thi. Chúng tôi cho rằng cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền của FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám", ông Trung nói.

Theo ông Hùng, từ sự quyết liệt trong kế hoạch tới thực tiễn là một quãng đường dài nhiều thách thức. Bởi việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh VA đều đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như blockchain, AI, IoT...

Ứng xử với tài sản ảo tương tự USD?

Đại diện Remitano, một đơn vị VASP đã hiện diện hơn 10 năm, cho biết đơn vị này mong muốn khung pháp lý về VA tại Việt Nam có thể được sớm hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới.

"Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực", đại diện đơn vị này nói.

Là người có kinh nghiệm gần 30 năm tham gia thị trường tài chính, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho rằng với câu chuyện quản lý VA, hiện nay Việt Nam "muốn thờ ơ, né tránh cũng không được mà phải có sự lựa chọn mang tính chiến lược".

"Làm sao để có lợi ích quốc gia tốt nhất, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực. Nếu tận dụng tốt nguồn vốn, nguồn lực này trong xã hội chắc chắn rất tốt cho nền kinh tế", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Cho rằng cách nhìn của cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều nước về quản lý VA hiện rất tích cực, song ông Quỳnh cũng chia sẻ, hầu hết chính phủ các nước đều khá lúng túng.

Các chính phủ phải có ứng xử phù hợp vì nếu không sẽ tác động trực tiếp vào chủ quyền quan trọng nhất là chủ quyền quốc gia về tiền tệ. "Đó là điều chúng ta phải rất chia sẻ với các cơ quan quản lý nhà nước", ông Quỳnh nói.

Với quản lý VA, hiện nay Việt Nam muốn thờ ơ, né tránh cũng không được mà bắt buộc phải có sự lựa chọn mang tính chiến lược. Làm sao để có lợi ích quốc gia tốt nhất, hạn chế những tác động tiêu cực. Nếu tận dụng tốt nguồn vốn, nguồn lực này rất tốt cho nền kinh tế.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Gợi mở chính sách để quản lý VA trong thời gian tới, ông Quỳnh dẫn lại câu chuyện quản lý USD. "Khi đất nước mới mở cửa, chính sách tiền tệ quốc gia là không cho phép bất kỳ một loại ngoại tệ nào được phép thanh toán, chống tình trạng đô la hóa.

Tuy nhiên, Việt Nam mới mở cửa đang cần vốn nên đã ra chính sách cho người dân được giữ USD, được gửi vào ngân hàng bằng đồng USD, nhưng không được dùng USD để thanh toán trong nền kinh tế. Như vậy, Việt Nam coi USD như một loại tài sản. Nếu bây giờ áp dụng tương tự như vậy ở Việt Nam với VA, cụ thể như với Bitcoin… thì có được không?", ông Quỳnh đặt câu hỏi mang tính gợi mở.

Ngày 23.2, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám FATF.

Bộ Tài chính được giao phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo; đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ.

Thời hạn thực hiện là tháng 5.2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.