Cho ý kiến về luật Giá sửa đổi tại phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, trong đó có hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm của luật Giá sửa đổi quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
"Khái niệm "bất hợp lý" là không có định lượng, hoàn toàn là định tính. Quy định thế này thì bác Trí (Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí có mặt tại phiên họp - PV) gọi chúng em lúc nào cũng được", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đề nghị các cơ quan, nghiên cứu cụ thể hơn để có tính khả thi, cái gì đích đáng thì cấm.
Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích, ranh giới giữa đầu cơ và đầu tư rất mong manh. Người bán hàng đầu tư theo dự báo thị trường, và tất nhiên khi hàng khan hiếm thì sẽ phải bán giá cao hơn.
"Đó là cung - cầu của thị trường, nhưng nếu quy định thế này thì lại bảo là tăng giá bất hợp lý nên cấm, phạt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về quy định quyền của người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ tại điều 10 dự thảo luật, theo Chủ tịch Quốc hội là "đang quy định quá lên".
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu là người bán hàng không phải nhà sản xuất thì khó có thể biết được tất cả mọi thứ như xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ.
"Chỉ có nhà sản xuất mới biết hết mọi thứ và nhà sản xuất thì phải công bố trên nhãn hiệu hàng hóa hàm lượng thế nào, công thức thế nào, giá thế nào. Còn người bán là bán theo cái nhà sản xuất công bố, chứ bắt người bán phải thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về giá, chất lượng, xuất xứ... thì chịu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về doanh nghiệp thẩm định giá, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo có cơ chế để khuyến khích phát triển ngành này, có cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hoạt động, rõ quyền hạn trách nhiệm.
"Hiện, trong nhiều lĩnh vực các doanh nghiệp thẩm định giá bỏ, không làm nữa", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, và cho biết chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói điều này với ông.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các doanh nghiệp thẩm định giá, nhất là đất đai đang rơi vào tình trạng "quyền rơm vạ đá", lợi nhuận được một tí nhưng rủi ro rất lớn vì phải chịu trách nhiệm vô hạn.
"Doanh nghiệp thẩm định giá, nhất là thẩm định giá đất, không biết giá trị được bao nhiêu, hợp đồng không biết có được nhiều không, nhưng bắt họ chịu rủi ro vô hạn thì không được, vì họ chỉ tư vấn, tức là bán lời khuyên cho người có thẩm quyền quyết định", Chủ tịch Quốc hội phân tích, và đề nghị quy định cụ thể theo hướng quyền tương xứng với nghĩa vụ, trách nhiệm.
Luật Giá sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, tháng 10.2022, dự kiến sẽ được cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 và Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.
Bình luận (0)