'Cầm tay' học trò lớp 1 tập viết qua… trực tuyến

03/01/2022 06:05 GMT+7

Bằng việc hướng dẫn học sinh quay trực tiếp camera xuống bàn tay lúc các em tập viết , giáo viên có thể hướng dẫn và giúp học sinh lớp 1 chỉnh sửa lỗi sai ngay khi đang tương tác trên lớp học trực tuyến .

“Cái khó ló cái khôn”

Với lớp 1 thì tập viết là một trong những kỹ năng quan trọng nhất và khó nhất. Các em phải tập từ kỹ năng cầm bút đúng, biết từng điểm đặt bút và dừng bút trên từng dòng kẻ khác nhau. Những năm trước, khi học trực tiếp tại trường, giáo viên (GV) sẽ dành rất nhiều thời gian cầm tay các em để sửa từng nét chữ, giúp các em viết đúng.

Học sinh vừa học vừa sử dụng camera quay trực tiếp theo hướng dẫn của cô giáo để có thể chỉnh sửa tư thế ngồi, cách cầm bút, đặt bút, viết đúng chuẩn

Bích Hiền

Nhưng từ đầu năm học 2021, các em đã phải học trực tuyến. Thời gian đầu nhiều em viết không đúng dòng, đúng ô ly, cách cầm bút chưa đúng chuẩn… Nếu để các em viết sai theo thói quen sẽ rất khó sửa. Điều này khiến cô Nguyễn Thị Bích Hiền, GV lớp 1 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), luôn trăn trở với câu hỏi “làm sao giúp các em tập viết hiệu quả và đúng chuẩn ngay cả khi không thể học trực tiếp tại lớp?”.

Cô Bích Hiền dành thời gian mày mò, tham gia vào nhiều nhóm GV để học hỏi thêm từ đồng nghiệp, học cách sử dụng linh hoạt các phần mềm...

Riêng với kỹ năng tập viết, cô Hiền cho biết chủ yếu ứng dụng các hiệu ứng có sẵn trên phần mềm powerpoint, sau đó xây dựng thành các clip hướng dẫn ngắn để đưa vào trình chiếu trên phần mềm dạy trực tuyến Zoom. Việc sử dụng powerpoint sẽ giúp GV tạo hiệu ứng trình chiếu các đường kẻ, viết chữ theo từng ô ly, phân tích nét…

Dù vậy, để làm được điều này, nữ GV cho biết trước khi các em bắt đầu vào chương trình học, cô đã dành nhiều ngày trước đó để dạy các nét cơ bản trước, phân tích nét… sao cho học sinh (HS) dễ nhìn, và có thể bắt chước theo. Theo cô Bích Hiền hiện có nhiều tập tin bằng hình động về cách tập viết, các clip hướng dẫn… được chia sẻ rất nhiều. Cô cũng tham khảo thêm nguồn học liệu do nhà xuất bản sách làm sẵn để có thêm công cụ dạy HS.

Thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, hầu hết phụ huynh đều ở nhà nên GV có thể nhờ chụp lại bài viết của con, nhưng khi phụ huynh đi làm lại, hầu hết các con phải tự học, GV cũng khó theo sát được HS.

“Lúc đó mình cũng phát hiện trên phần mềm dạy học trực tuyến Zoom có phầm ghim, GV có thể ghim lần lượt từng bé lên màn hình, yêu cầu các em chụp ảnh bài viết sát màn hình, GV sẽ thấy được lỗi sai và nhắc nhở các em sửa luôn thay vì chờ đến tối ba mẹ về chụp lại, các con sẽ quên. Cô trò cũng chủ động hơn trong việc dạy và học. Đặc biệt, những bé nào có thể sử dụng camera ở điện thoại, máy tính thì mình sẽ hướng dẫn các em cách quay camera để GV quan sát được từ tư thế ngồi, đến việc cầm bút viết, đặt bút và dừng bút, nối nét… Lúc đó mình sẽ chỉnh sửa được ngay, các em sẽ dễ nhớ, dễ chỉnh hơn”, nữ GV chia sẻ thêm.

Cô Hiền cho biết sau khi áp dụng thêm phương pháp này, HS của cô có thể chỉnh sửa ngay lỗi sai trực tiếp với GV nên tiến bộ nhanh hơn. Dù vậy, việc dạy học, theo cô Hiền, GV phải linh động áp dụng nhiều phương pháp khác nhau đối với từng trường hợp HS.

Với lớp 1 thì tập viết là một trong những kỹ năng quan trọng nhất và khó nhất

bích hiền

Tìm ra cái hay của học trò để khen

Trong khi đó, cô Nguyễn Ánh Phương Nam, GV môn mỹ thuật Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), lại cho biết bí quyết dạy học của mình là… tìm cách để khen và khuyến khích học trò.

Theo cô Phương Nam thì riêng với HS tiểu học, vì tuổi còn nhỏ nên các em vẫn còn ham chơi, trong khi các kỹ năng sử dụng các thiết bị để học trực tuyến cũng không nhiều nên thật sự rất khó khăn. Nhưng may mắn là các em tiểu học lại rất thích môn mỹ thuật khi được tô vẽ theo những ý tưởng của mình.

“Tuy nhiên, để duy trì được hứng thú cho HS khi học trực tuyến là điều không dễ dàng. Nên mỗi giờ dạy, ngoài kiến thức môn học tôi phải dành thời gian trò chuyện, gợi mở cho các em cách quan sát thế giới xung quanh, nhận biết các đồ vật để khơi gợi sự sáng tạo của các em. Để khuyến khích các em phát hiện ra thế mạnh riêng của bản thân, cô giáo vì thế sẽ dành thời gian để nghe các em chia sẻ những điều hay trong mỗi tác phẩm của HS. Khi nhận xét đánh giá bài của HS, tôi cố gắng tìm ra điểm mạnh, cái hay để tuyên dương”, cô Phương Nam chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.