Cảm thấy nhói tim khi xem bộ ảnh 'Mùa xuân của ngoại'

31/01/2022 18:00 GMT+7

Mang theo tình thương qua từng cú bấm máy nên bộ ảnh "Mùa xuân của ngoại" của chàng nhiếp ảnh trẻ Nguyễn Kỳ Anh như đánh thức trong mỗi người kỷ niệm về những cái tết bên bà ngoại.

Sau một năm làm việc ở TP.HCM, chàng trai đam mê nhiếp ảnh Nguyễn Kỳ Anh (26 tuổi, làm thiết kế nội thất tại Q.7) mới có dịp quay về nhà đoàn tụ cùng gia đình vào ngày 27 Âm lịch.

Nguyễn Kỳ Anh mang những thước phim về mùa xuân của bà ngoại khiến nhiều người xúc động

Nguyễn Kỳ Anh

Kỳ Anh chia sẻ anh cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy mình thật bé nhỏ trong vòng tay của bà và mẹ. Anh gắn bó và có nhiều kỷ niệm tuổi thơ với cả bà nội lẫn bà ngoại nhưng bà nội đã “đi xa mãi mãi” khi anh còn là một học sinh THPT.

Điều Kỳ Anh cảm thấy nuối tiếc nhất là không có điều kiện chụp hình cho bà nội nên mọi kỷ niệm với người bà kính yêu năm nào chỉ còn lưu giữ trong trái tim và trí nhớ. Vì vậy, anh đã thực hiện bộ ảnh “Mùa xuân của ngoại” để lưu giữ lại kỷ niệm đẹp với người bà còn lại.

Ngoại chuẩn bị nấu mâm cơm cúng rước ông bà

Nguyễn Kỳ Anh

Sáng ngày 28 Âm lịch, Kỳ Anh cùng bà ngoại đi chợ tết để chuẩn bị cho mâm cúng rước ông bà. Cậu bé ngồi sau yên xe đạp của bà ngày nào giờ đã là thanh niên cao lớn chở lại bà trên chiếc xe máy. Theo sau bà ngoại, Kỳ Anh đặt tình thương của mình qua từng cú bấm máy, có lẽ vì thế mà những tấm ảnh lại đong đầy cảm xúc đến lạ thường.

“Chúng ta còn có rất nhiều mùa xuân trong đời. Mùa xuân của ngoại chỉ còn là đong đếm. Xuân của ngoại là những điều giản đơn bên hiên nhà, là bông vạn thọ, dưa hấu đỏ, canh khổ qua nhồi thịt, là phiên chợ quê rộn rã, thân tình. Một năm qua, đã có quá nhiều mất mát. Hạnh phúc lúc này không gì quý giá bằng gia đình đủ đầy, an yên. Cảm ơn ngoại vì đã dành cả cuộc đời cho mùa xuân của chúng con. Cảm ơn ngoại vì đã luôn đợi chờ những đứa con xa nhà”, Kỳ Anh bày tỏ.

Ánh mắt bà ngoại đượm buồn mỗi khi nhìn di ảnh của ông

Nguyễn Kỳ Anh

Xong buổi chợ sớm, Kỳ Anh lại theo sau từng bước chân của bà ngoại để chuẩn bị mâm cúng rước ông bà. Bữa cơm ngày tết của ngoại chỉ đơn giản là canh khổ qua hầm, thịt kho trứng… “Tuy nhiên, đó vẫn là mâm cơm ngon nhất, đậm vị nhất vì tết này tôi còn có ngoại, gia đình mình sum họp”, Kỳ Anh chia sẻ.

Bộ ảnh “Mùa xuân của ngoại” ghi lại chân thật và đầy cảm xúc hình ảnh của những người bà đang tất bật chuẩn bị tết để đón con, cháu trở về sau một năm dài cách trở. Không sử dụng quá nhiều hiệu ứng, kỹ thuật hậu kỳ, Kỳ Anh đã tinh tế mang lại những thước phim chân thật, đầy cảm xúc khiến người xem phải nghẹn ngào nhớ về những kỷ niệm về người bà kính mến.

Cảm thấy “nhói tim” khi xem bộ ảnh của tác giả Kỳ Anh, Nguyễn Hoàng Khiêm, sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết anh cảm thấy nôn nao chờ đến ngày mùng 2 tết được được về thăm ông bà ngoại.

Cành bông vạn thọ bà ngoại lựa để dâng lên bàn thờ ngày tết

Nguyễn Kỳ Anh

“Nhớ ngày bé có món gì ngon là bà lại không nỡ ăn để dành cho tôi. Ngày xưa nhà ngoại nghèo lắm, có những ngày tôi theo bà đi nhặt những củ khoai còn sót lại sau khi thu hoạch để về nấu ăn. Nhớ ngày đó tuy thiếu thốn, cơ cực nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn vì luôn được bà yêu thương, dạy bảo. Tôi lớn lên, rồi thời gian tôi bên cạnh ngoại cũng ít dần, dù không trực tiếp gặp nhưng bà luôn hướng về tôi, nhớ đứa cháu nhỏ dù năm nay đã là thanh niên cao lớn” Khiêm kể lại những kỷ niệm đáng nhớ bên bà ngoại của mình.

Vui xuân nhưng cháu khóc thầm: “Mùa xuân của ngoại chỉ còn là đong đếm”

Nguyễn Kỳ Anh

Cùng đồng cảm với bộ ảnh của tác giả Kỳ Anh, Nguyễn Cẩm Tú, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Ước gì tôi đừng làm người lớn để mãi được bên bà, được bà yêu thương. Thời gian càng vô tình hơn khi khiến ngoại một già đi, ở hiện tại tôi chỉ mong bà được thêm sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống. Dù không được thường xuyên bên cạnh nhưng những kỷ niệm về bà ngoại mãi sâu đậm trong trái tim tôi”, Tú nghẹn ngào.

Tú kể có lần bà ngoại có 2 quả bưởi chín, bà quyết không ăn mà nhờ người gửi lên thành phố cho cô cháu gái. Cầm phần quà quê của bà, cô gái trẻ không kiềm được những giọt nước mắt hạnh phúc và nhớ nhà. Tú mong muốn truyền thông điệp về tình yêu thương đối với ông bà tới người trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.