Cảm thấy tim đập nhanh sau khi nằm xuống, khi nào cần gặp bác sĩ?

12/12/2023 09:57 GMT+7

Tình trạng tim bất ngờ đập nhanh có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể tuổi tác. Đôi khi, tim đập nhanh xảy ra khi chúng ta đang nằm. Trong một số trường hợp, người mắc cần đến bác sĩ kiểm tra.

Đối với một số người, tim đột ngột đập nhanh khi đang nằm có thể khiến họ cảm thấy lo lắng. Nhưng tin tốt là trong hầu hết trường hợp, tình trạng này thường là vô hại, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Cảm thấy tim đập nhanh sau khi nằm xuống: khi nào cần lo lắng ? - Ảnh 1.

Tim đập nhanh khi nằm xuống thường là do tư thế nằm, căng thẳng hay dùng chất kích thích gần giờ đi ngủ

SHUTTERSTOCK

Tim đập nhanh có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố phổ biến nhất là lo lắng, căng thẳng, uống nhiều caffein hay do tư thế nằm. Tim đập nhanh do tư thế nằm thường xảy ra vào ban đêm, vì đây là thời điểm mà chúng ta bắt đầu nghỉ ngơi và nằm xuống.

Trong trạng thái nghỉ ngơi, cơ thể sẽ tự điều chỉnh để giảm hoạt động thể chất. Tim cũng sẽ phải điều chỉnh hoạt động để có thể phân phối máu tốt hơn khắp cơ thể. Hệ quả của quá trình này là tim sẽ hoạt động nhiều hơn và đập nhanh hơn, dẫn đến cảm giác đánh trống ngực.

Nằm ngủ trong một số tư thế nhất định cũng có thể gây chèn ép mạch máu và ảnh hưởng đến đường dẫn truyền thần kinh, khiến nhịp tim không đều. Ví dụ, nằm nghiêng bên trái có thể kích thích dây thần kinh phế vị chạy từ não đến bụng và điều chỉnh nhịp tim. Tình trạng này làm nhiễu các xung điện dẫn đến tim, khiến tim đập nhanh đột ngột.

Ngoài ra, ngủ nghiêng sang bên trái đôi khi cũng có thể làm gia tăng áp lực bên trong cơ thể và khiến tim đập nhanh hơn. Vì nằm nghiêng trái sẽ làm trọng lượng cơ thể đè ép lên ngực trái, ảnh hưởng đến nhịp thở, từ đó tác động đến tim. Ngủ nghiêng sang bên phải sẽ ít có nguy cơ xảy ra tình trạng này hơn.

Ngoài ra, căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc và lối sống cũng khiến tim đập nhanh khi nằm. Chẳng hạn, khi chuẩn bị ngủ, những suy nghĩ gây căng thẳng ập đến sẽ kích thích phản ứng của cơ thể và khiến tim đập nhanh. Một số loại thuốc như hen suyễn, huyết áp cao và rối loạn tuyến giáp cũng gây tác dụng phụ là tim đập nhanh. Dùng các chất kích thích như caffein và nicotin gần giờ đi ngủ cũng dẫn đến biểu hiện này.

Nếu tình trạng tim đập nhanh kéo dài, không rõ nguyên nhân thì người mắc cần đến bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ sẽ khám sàng lọc rối loạn nhịp tim, vấn đề cơ tim hay một số bệnh về tim khác, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.