Cấm thuốc lá điện tử, buôn bán, sử dụng sẽ bị phạt tù?

03/01/2025 04:40 GMT+7

Từ 1.1.2025, thuốc lá điện tử là hàng cấm. Do đó, cá nhân, tổ chức có hành vi buôn bán, sử dụng mặt hàng này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15, có hiệu lực từ 1.1.2025 về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.

Nghị quyết 173/2024/QH15 quy định một số nội dung về lĩnh vực y tế, cụ thể: "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể".

Theo luật sư Trần Thị Kiều Hạnh, Công ty luật TNHH Trần Hạnh và cộng sự, Đoàn luật sư TP.HCM, khi thuốc lá điện tử chính thức bị cấm thì hành vi buôn bán thuốc lá điện tử được xem là buôn bán hàng cấm và sử dụng thuốc lá điện tử cũng tương tự việc sử dụng chất cấm.

Khi thuốc lá điện tử trở thành hàng cấm, người có hành vi sử dụng, sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc lá điện tử tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan.

Cấm thuốc lá điện tử, buôn bán, sử dụng sẽ bị phạt tù?- Ảnh 1.

Luật sư Trần Thị Kiều Hạnh, Công ty luật TNHH Trần Hạnh và cộng sự, Đoàn luật sư TP.HCM

ẢNH: NVCC

Sử dụng thuốc lá điện tử, mức phạt?

Luật sư Kiều Hạnh cho biết, bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định bất kỳ tội danh nào với hành vi sử dụng chất cấm là thuốc lá điện tử. 

Do đó, nếu người chỉ sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không buôn bán, tàng trữ thì sẽ không bị xử lý hình sự. Nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có thêm hành vi mua, bán có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Hiện, việc xử phạt hành chính về trật tự công cộng được quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, việc sử dụng thuốc lá điện tử (chất kích thích) gây mất trật tự công cộng bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Luật sư cho rằng quy định trên chủ yếu xử lý hành vi gây mất trật tự công cộng. Do đó, Bộ Y tế đang dự thảo các văn bản liên quan, sau đó trình các cấp có thẩm quyền để sớm triển khai, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý hành vi sử dụng thuốc lá điện tử.

Mức phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử

Cũng theo luật sư, người có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như:

  • Tịch thu tang vật
  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng
  • Tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại
  • Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Căn cứ điều 190 bộ luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Theo đó, người nào có hành vi buôn bán hàng cấm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. 

Người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 15 năm tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Trường hợp pháp nhân phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 1 - 9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng - 3 năm.

Pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 

Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.