Cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không, phải căn cứ vào tính chất khoa học

12/04/2024 19:36 GMT+7

Theo đại diện Bộ Tư pháp, vấn đề cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không cần căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Chiều 12.4, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ Tư pháp, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn tại dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hiện nay, vẫn có 2 luồng quan điểm trái ngược về vấn đề này. Một là ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn để hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe", góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu, bia. Hai là cần có ngưỡng phù hợp để phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng "uống cốc bia từ tối nay, mai vẫn còn nồng độ cồn và bị xử phạt".

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không, phải căn cứ vào tính chất khoa học- Ảnh 1.

Hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn

HOÀNG TUÂN

Nêu quan điểm về vấn đề trên, bà Lê Thị Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết Bộ Tư pháp là cơ quan tham gia thẩm định dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo. Một trong những nội dung được rất nhiều người quan tâm tại dự thảo, là đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trước khi luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng, luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (có hiệu lực từ 1.1.2020) đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Theo bà Vân Anh, vấn đề có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không thì phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Vì vậy, quá trình thẩm định dự thảo luật, Bộ Tư pháp từng đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu mang tính khoa học, phù hợp với thực tiễn và ý thức của người tham gia giao thông.

"Trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật", phó vụ trưởng chia sẻ.

Bà Lê Thị Vân Anh (đứng), Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp)

Bà Lê Thị Vân Anh (đứng), Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp)

PHÚC BÌNH

Đại biểu chuyên trách vẫn băn khoăn

Giữa tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp kỳ thứ 31, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thiết kế 2 phương án liên quan đến vấn đề nồng độ cồn. Phương án 1 là cấm tuyệt đối. Phương án 2 là chỉ cấm tuyệt đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng; với người điều khiển mô tô, xe gắn máy sẽ có ngưỡng 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở; đồng thời sửa luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay, 100% ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án 1. Ông Phương đề nghị báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật tiếp tục làm rõ các ưu điểm, hạn chế, căn cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế của 2 phương án; đồng thời khẳng định đa số đồng ý với phương án cấm.

Tuy nhiên, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra 2 tuần sau đó, các ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách chưa thể thống nhất về việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không.

Các đại biểu vẫn có nhiều luồng quan điểm xung quanh vấn đề này. Có đại biểu ủng hộ cấm tuyệt đối, cho rằng đề xuất này không phải là mới mà chỉ kế thừa quy định đang có hiệu lực tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do hành vi đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây ra.

Ngược lại, có đại biểu đề nghị cần ngưỡng tối thiểu. Bởi lẽ, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 khác với việc cấm người đã sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe (vì có những trường hợp không sử dụng rượu bia vẫn có nồng độ cồn - PV); chưa kể "uống ly bia ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý".

Trung lập hơn, một số đại biểu ủng hộ cấm tuyệt đối nhưng cần tính toán áp dụng có lộ trình, phù hợp thực tiễn; để luật đi vào cuộc sống, có sức thuyết phục khi thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.