Cấm vận công nghệ - “vũ khí kinh tế” mới của Mỹ có thực sự hiệu quả?

10/03/2023 19:56 GMT+7

Cấm vận công nghệ đã trở thành "vũ khí kinh tế" mới của Mỹ trong những năm gần đây nhằm đạt lợi thế cạnh tranh toàn cầu.

Nếu như trước kia Mỹ thường sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế bằng cách ngăn các "mục tiêu" tiếp cận đồng USD, thì giờ đây biện pháp cấm vận xuất khẩu công nghệ đã trở thành "vũ khí kinh tế" mới được ưa chuộng hơn cả. Mỹ đang cố gắng "vũ khí hóa" tính phổ biến công nghệ của mình, nhất là trong cạnh tranh chiến lược với các nước lớn như Trung Quốc và Nga.

Lệnh cấm ngày càng chặt chẽ

Chính phủ Mỹ luôn tìm cách hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc. Những năm trước, đa phần các sản phẩm công nghệ bán cho Bắc Kinh đều được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, khiến các quy định không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và hiện nay là chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã có sự chuyển hướng chiến lược sang cấm xuất khẩu các sản phẩm chứa công nghệ, máy móc hoặc phần mềm của Mỹ, khiến quy mô lệnh cấm rộng hơn.

Đáng chú ý, ngày 7.10.2022, các quan chức Mỹ đã quyết định áp dụng Quy tắc Sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) với ngành công nghiệp máy tính và siêu máy tính tiến tiến của Trung Quốc. Theo đó, các công ty ở bất kỳ đâu trên thế giới đều không được phép bán chíp máy tính hoặc các công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm đó có công nghệ Mỹ. Nếu muốn, họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để được xem xét.

Nhà máy của công ty sản xuất bán dẫn SMIC của Trung Quốc tại Thượng Hải

Nhà máy của công ty sản xuất bán dẫn SMIC của Trung Quốc tại Thượng Hải

BLOOMBERG

FDPR không hề mới. Quy định được giới thiệu vào năm 1959 nhằm kiểm soát việc buôn bán các công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong hơn thập niên qua nó mới được tận dụng triệt để. Đầu những năm 2010, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra hai quy tắc kiểm soát xuất khẩu đầu tiên dựa trên ý tưởng này nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ từ bất kỳ nơi nào trên thế giới sang Trung Quốc, nếu chúng được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc chế tạo vệ tinh.

Đến tháng 8.2020, FDPR trở thành tâm điểm chú ý khi nó được áp dụng để chống lại công ty Huawei của Trung Quốc. Khi đó, các quan chức Mỹ cố gắng cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn của Huawei nhưng phát hiện ra rằng các công ty công nghệ vẫn tiếp tục cung cấp chíp cho Huawei thông qua các cơ sở ở nước ngoài. FDPR đã giúp Mỹ loại Huawei - công ty mà họ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia - ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, khiến doanh thu của Huawei trong năm 2021 giảm 29%. Những chiếc điện thoại thông minh của Huawei dần biến mất khỏi thị trường.

FDPR cũng là "vũ khí kinh tế" hiệu quả của Mỹ đối với Nga. Cuối năm 2021, khi tình hình Nga - Ukraine nóng lên, Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất mở rộng FDPR đối với Nga như cách họ đã làm với Huawei. Tháng 2.2022, trong một gói trừng phạt tập thể cùng các đồng minh phương Tây, Mỹ đã áp dụng FDPR đối với Nga, khiến mạng lưới công nghiệp quân sự của Moscow không thể tiếp cận các sản phẩm có yếu tố Mỹ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc sản xuất tên lửa đạn đạo siêu thanh của Nga đã bị hạn chế đáng kể do thiếu chất bán dẫn. Tháng 10.2022, Bộ Ngoại giao Mỹ tổng kết rằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của họ đã gây ra những hậu quả đáng kể và lâu dài với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

Cũng vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế mới về công nghệ với Trung Quốc và Nga có liên quan đến các card đồ họa phục vụ đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) do NVIDIA và AMD của Mỹ bán. Động thái này khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó mà phát triển được các công nghệ phức tạp như nhận diện hình ảnh, giọng nói bằng AI hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Nó cũng ảnh hưởng lớn đến công nghệ tìm kiếm, gắn thẻ ảnh trên điện thoại thông minh và máy tính, cũng như phân tích ảnh vệ tinh, tìm kiếm và chắt lọc thông tin tình báo trong lĩnh vực quân sự.

Trợ cấp kèm điều kiện, đạo luật CHIPS có hấp dẫn đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Mỹ?

"Vũ khí kinh tế" mới có thực sự hiệu quả?

Các chuyên gia đánh giá, FDPR đã trở thành một trong những "vũ khí kinh tế" quan trọng nhất của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ được áp đặt chặt chẽ hơn khi họ tăng cường đầu tư vào các nhà máy chíp. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên Đài Loan - nơi sản xuất nhiều chíp tiên tiến trên thế giới cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường các lệnh cấm.

FDPR đang thực sự gây tổn hại cho các công ty AI và các nhà sản xuất chíp của Trung Quốc. Thiệt hại sẽ tăng lên nếu các đồng minh của Mỹ cùng tham gia. Tạp chí The Economist cho biết, cuối tháng 1.2023, Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc này. Nếu trong thời gian tới, cả hai nước này cùng đưa ra các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ bị chặn hoàn toàn việc tiếp cận với công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Nhà phân tích công nghệ Dan Wang của Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho rằng FDPR sẽ khiến Trung Quốc bị tác động đáng kể trong tham vọng tự chủ bán dẫn. Các công ty Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp chíp lớn sẽ bị tổn thương rất nhiều.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ từ "vũ khí kinh tế" này. Một lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ tiết lộ các công ty Mỹ làm ăn với đối tác Trung Quốc cũng gặp trở ngại khi mọi thứ trở nên khó khăn.

Hiện nay, ở Mỹ đang có nhiều ý kiến thảo luận về các mục tiêu tiếp theo của FDPR. Đó có thể là ngành sản xuất sinh học của Trung Quốc hoặc ngành sản xuất pin điện, đặc biệt là pin cho xe điện của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ áp dụng "vũ khí kinh tế" mới là cấm vận công nghệ với Trung Quốc nhằm cắt đứt Trung Quốc khỏi dòng chảy của các chất bán dẫn tiên tiến sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chíp phổ biến trong xe điện và vũ khí. Đây vốn là lĩnh vực họ đang chiếm thị phần lớn. Hơn nữa, nếu trí tuệ nhân tạo trở nên ít quan trọng hơn chính phủ Mỹ tiên lượng thì việc thúc đẩy các công ty Trung Quốc tập trung vào việc sản xuất và kiểm soát các loại chíp hàng hóa kể trên sẽ là một sai lầm với Washington.

FDPR là "vũ khí kinh tế" đặc biệt khắc nghiệt và tác động sâu rộng nhất từ trước đến nay của Mỹ. Nó khiến các công ty Trung Quốc bị cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận các công nghệ chíp trên tiến trình 14 nanomet trở xuống. Những gì Mỹ đang làm tạo nên sự khác biệt trong 30 năm qua, ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng đột phá về AI của Trung Quốc trước năm 2030 và khiến khả năng vượt Mỹ của Trung Quốc càng xa vời. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ là rất khó đoán định, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất làm nền tảng cho quá trình sản xuất chất bán dẫn là một trong những thứ phức tạp nhất mà con người từng tạo ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.