Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

'Cấm xuất khẩu cổ vật nhằm tránh mất di sản ra nước ngoài'

17/04/2024 11:03 GMT+7

Đây là quan điểm được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu tại phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi sáng 17.4.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách. Trong đó, dự thảo quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa - quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

QUOCHOI

Liên quan đến quy định cấm mua bán bảo vật quốc gia, dự thảo luật nghiêm cấm mua bán, sưu tầm di vật, cổ vật có nguồn gốc không hợp pháp. Đồng thời, cấm mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu ra nước ngoài.

Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước. Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng bị cấm kinh doanh mua bán theo quy định của luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư.

"Quy định cấm kinh doanh, xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài", Bộ trưởng VH-TT-DL nhấn mạnh.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ VH-TT-DL tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm "chuyển nhượng", "mua bán", "kinh doanh" để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu trong cơ quan thẩm tra có ý kiến cho rằng quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo bộ luật Dân sự.

Lý do, bộ luật Dân sự quy định quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Do đó, ông Vinh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với bộ luật Dân sự.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý bổ sung chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa vào luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý bổ sung chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa vào luật

QUOCHOI

Cho ý kiến về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải coi di sản văn hóa là nguồn lực để bảo tồn, phát huy. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được rà soát trong toàn bộ luật này với tinh thần kiến tạo phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần nghiên cứu bổ sung chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư phát triển văn hóa và kinh tế về văn hóa.

Theo đó, cần rà soát lại luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, một số cơ chế chính sách thí điểm cho địa phương. Việc này để thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn ra ví dụ như ở Huế, một số di tích nếu có nguồn lực tư nhân đầu tư theo định hướng của nhà nước thì vừa phát huy, vừa bảo tồn được.

Cạnh đó, trong xây dựng phục chế, cải tạo di sản văn hóa thì tính chất đặc thù rất khác, định mức đơn giá đầu tư công thuần túy rất khó. "Như vẽ hoa văn ở Nhà hát Lớn đơn giá vật liệu, máy móc thi công theo đơn giá đầu tư công rất khó vì đây là lao động sáng tạo. Các công trình văn hóa mới đầu tư cũng cần định mức đơn giá như nào để lưu giữ với thời gian, nếu bình thường như các công trình khác thì rất khó", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.

Báo cáo tiếp thu, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, để thu hút thêm các nguồn lực, Bộ VH-TT-DL sẽ làm việc với Bộ KH-ĐT, tính toán lại để bổ sung, sửa đổi luật PPP.

"Về các nguồn lực Quốc hội đã cho thí điểm, ví dụ TP.HCM được thí điểm trong thu hút đầu tư di sản văn hóa, chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu thành các khung chính sách cho rõ. Ngoài ra, về định mức kỹ thuật như Chủ tịch Quốc hội nêu, anh em đang nghiên cứu xây dựng", ông Hùng cho hay.

Cả nước đã có khoảng 265 bảo vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, 153 bảo vật được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng.

Nhiều bảo vật quốc gia của Việt Nam hiện đang được rao bán tại nước ngoài. Tháng 10.2021, mũ quan triều Nguyễn đạt mức giá 600.000 euro (15,7 tỉ đồng) trong phiên đấu giá cổ vật tại Tây Ban Nha. Tháng 6.2022, bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức đạt mức 845.000 euro (20,7 tỉ đồng) trong phiên đấu giá của Drouot...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.