Cảm xúc chân thật từ cuộc sống với ‘Cây kèn và chiếc khẩu trang’

15/02/2022 21:04 GMT+7

Sáng 15.2 tại TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM và NXB Tổng hợp TP.HCM đã long trọng tổ chức buổi ra mắt ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang đầy cảm xúc, về những ngày tháng đau thương của đại dịch Covid-19 .

Trước buổi lễ ra mắt sách Cây kèn và chiếc khẩu trang, đại biểu và các văn nghệ sĩ đã dành một phút tưởng niệm 42 văn nghệ sĩ TP.HCM đã mất trong hơn 3 tháng xảy ra đại dịch năm 2021.

Sách Cây kèn và chiếc khẩu trang

QUỲNH MY

Thay mặt ban tổ chức, KTS. Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM phát biểu khai mạc: “Hôm nay, ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần, ngày tết Nguyên Tiêu cũng là ngày thơ Việt Nam. Chúng ta – những văn nghệ sĩ là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh và các nhà biên kịch là những 'chiến sĩ' đã cùng thành phố tham gia trong mặt trận chống dịch Covid-19, bằng sự rung động, cảm xúc từng phút, từng giờ để tạo nên những ấn phẩm 'bi-hùng' đi vào lòng người, lại cùng nhau gặp mặt trong lễ ra mắt ấn phẩm mà mình đã góp phần vào trong chiến dịch với tình thương yêu, nhân nghĩa”.

Được biết, tập sách Cây kèn và chiếc khẩu trang giới thiệu hơn 200 tác phẩm của 139 tác giả đầy cảm xúc đi vào lòng người, ở các thể loại văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu. Các tác phẩm tham gia đã ghi lại những hình ảnh, cảm xúc chân thật nhất, từ thực tiễn của cuộc sống mà chính các tác giả đã từng trải qua.

Nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM tại lễ ra mắt sách

Bà Dương Cẩm Thúy (trái), Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM trao tặng quà của ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM đến vợ của cố nhạc sĩ, ca sĩ Y Jang Tuyn

Giao lưu cùng các khách mời

QUỲNH MY

Có những tác phẩm ca ngợi sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu đầy xúc động như: Chào mẹ (thơ: Kim Quyên), Người lính trẻ lần đầu vào thành phố (thơ: Huỳnh Dũng Nhân), Cảm ơn những bàn tay (thơ: Hồ Tịnh Văn, nhạc: Yên Lam), Mai con trở về (thơ: bác sĩ Y Tuin Niê, nhạc: Y Jang Tuyn), Người mẹ thứ 2 (tranh màu nước: Nguyễn Nguyên)..., những tác phẩm rất ấm áp tình người kể về sự san sẻ, đùm bọc nhau trong những ngày tháng gian nan: Niềm tin chiến thắng (kịch: Nguyễn Thanh Bình), Ấm áp cây gạo nghĩa tình (ca khúc: Đặng Quang Vinh)….

Bên cạnh đó những tác phẩm nhắc về nỗi đau đớn, mất mát trong đại dịch làm lòng người nhói đau, quặn thắt như: Đứng dậy đi em, Chào đời mồ côi (ca khúc: Vũ Hải Long), Ba mẹ con đâu? (ca khúc: Lê Đình Dũng), Những linh hồn đang bay (thơ: Trần Mai Hường), Nỗi đau Covid-19 (nhiếp ảnh: Kiều Anh Dũng)…

Dù trải qua nhiều đớn đau, mất mát, người dân TP.HCM vẫn rất kiên cường, lạc quan với thông điệp "Niềm tin chiến thắng sẽ không xa" qua những lời thơ, ý nhạc, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Viết từ tâm dịch (truyện ngắn: Bích Ngân), Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng (ca khúc: Nguyễn Ngọc Thiện), Sài Gòn hãy vững tin (ca khúc: Bích Liễu), Việt Nam chiến thắng (nhiếp ảnh: Hoàng Bích Nhung), Thắp tin yêu (sơn dầu: Trần Văn Mạnh)…

"Các tác phẩm được ra đời trong bão táp. Những hoạt động sáng tác kịp thời được tổ chức chính là nơi hội tụ của các tên tuổi, người sáng tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và cả những tác giả không chuyên; đã trở thành nơi chia sẻ, gửi gắm tình cảm yêu thương, tri ân những hy sinh thầm lặng", Phó Giám đốc Sở VH - TT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận xét

QUỲNH MY

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM nhận xét: “Các tác phẩm được ra đời trong bão táp. Những hoạt động sáng tác kịp thời được tổ chức chính là nơi hội tụ của các tên tuổi, người sáng tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và cả những tác giả không chuyên đã trở thành nơi chia sẻ, gửi gắm tình cảm yêu thương, tri ân những hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ và các lực lượng xung phong trên tuyến đầu chống dịch. Các tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sĩ TP.HCM đã thể hiện tinh thần hiệu triệu mạnh mẽ, kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; nghĩa tình, sẻ chia trong giai đoạn hết sức khó khăn của cả nước”.

Có mặt tại buổi lễ ra mắt ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang, nhà thơ Trần Mai Hường vô cùng xúc động. “Một buổi lễ ra mắt khác với những lễ ra mắt tác phẩm khác, cảm động và đau xót. Nhiều giọt nước mắt đã lăn dài khi nghe lại những câu chuyện trong tâm dịch giữa lằn ranh sống chết của những người trong cuộc và nỗi đau xót của sự bất lực trước dịch bệnh. Các tác phẩm được ra đời giữa những ngày cam go ấy, đều có chung một ý nghĩa là góp phần xoa dịu nỗi đau, chung tay đẩy lùi đại dịch”, nhà thơ Trần Mai Hường tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.