Cảm xúc từ chuyến về Đồng Tháp

13/09/2022 09:00 GMT+7

Khi đất nước ngày càng phát triển, sự giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, có những tinh hoa văn hóa dần dần mai một. Giờ đây khi mỗi độ cúng lễ hay ngày rằm, mồng một, món Kiểm đã vắng bóng ở nhiều chùa, hoặc có mà thiếu đi “cái hồn” của nó...

Sáu năm trước, tôi được một anh bạn đồng nghiệp quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp mời về nhà chơi. Anh nói:

- Ông là người miền Trung, vậy ông đã đi hết các tỉnh ở miền Tây Nam bộ chưa?

Tôi trả lời:

- Đi thăm thú hay đi công tác thì nhiều, nhưng để ở lại để “sống thực”, thâm nhập thì chưa nhiều lắm!

Bạn nói:

- Vậy thì ngày mai về quê với tui, tôi sẽ đưa ông đi đến một nơi mà ông chẳng đi đâu nhiều cũng có thể biết được phần nào đời sống tinh thần và vật chất của người dân Nam bộ.

Hôm sau, khởi hành từ TP.HCM từ sớm nên chúng tôi đến Đồng Tháp khoảng 9 giờ. Địa điểm mà bạn nói đến có cái tên nghe “rất Huế”, gợi cho tôi ít nhiều sự tò mò: Nam Phương Linh Từ.

Đền thờ Nam Phương Linh Từ

t.t.t

Chúng tôi đi vào trên một con đường rợp bóng mát. Từ xa, thấp thoáng một khoảng sân rộng lớn; một ngôi nhà cổ bề thế hiện ra. Ngôi nhà được chạm khắc khá tinh xảo, chẳng khác gì khung cảnh trong những bộ phim cổ trang. Bạn giới thiệu: Đây là công trình được xây dựng nên để tưởng nhớ những nhân vật lịch sử có công khai phá vùng đất phương Nam. Tổng diện tích ở đây lên đến 17 ha, gồm 5 hạng mục chính: Nam Phương Linh Từ ở đây, bên kia là từ đường Đặng tộc và Nhà Bảo tàng họ Đặng, Nhà Bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao quanh (tượng trưng cho 5 châu).

Thật ngạc nhiên!

Giữa một vùng quê yên ả thế mà lại có một cụm công trình rất quy mô và thật đầy ý nghĩa. Đền thờ Nam Phương Linh Từ là công trình xây theo kiến trúc nhà cổ với phong cách nhà rường truyền thống ở Huế, mang đậm dấu ấn cung đình nhằm tôn vinh, tưởng nhớ 125 nhân vật lịch sử là những người có công khai hoang mở cõi, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam như vua Gia Long, Nguyễn Huệ, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt...

Chậm rãi trên những dãy hành lang kéo dài, một không khí yên bình, êm ả, một không gian tĩnh lặng đến lạ thường. Ao sen rộng lớn, rực rỡ và khoe sắc, thoang thoảng hương thơm. Nhiều hồ nước thủy sinh và hàng trăm loài hoa kiểng với cây xanh được chăm chút cẩn thận tạo nên cảm giác mát mẻ. Những bãi cỏ xanh mướt trông không khác gì các công viên tại nhiều quốc gia khác trên thế giới...

Thật thích thú nhìn thấy một chiếc cầu ngói rất giống cây cầu ngói Thanh Toàn ở quê tôi. Cầu có tên là “Cầu ngói Nam Phương”, có thể nói đây là lối kiến trúc đẹp, độc đáo ít thấy ở miền Tây Nam bộ.

Rảo bước quanh Nam Phương Linh Từ, bạn cho biết thêm: Công trình này do một doanh nhân họ Đặng thành đạt tạo dựng để dâng tặng quê hương và dòng tộc mình. Chính quyền và các ngành các cấp đều ủng hộ. Do đó, đây cũng là nơi được bố trí để phụng thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền tộc Đặng như: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung và cụ tổ Đặng tộc Long Hưng là Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm…

Đặc biệt và gây ấn tượng nhất là tại khu vực này có một Khu làng quê Nam bộ. Nơi đây tái hiện cách thức sản xuất, sinh hoạt, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của cha ông trong những ngày đầu đến đây khai hoang lập ấp.

Tô canh Kiểm ở Đồng Tháp

t.t.t

Thật là một công trình đầy ý nghĩa của đất Phương Nam!

Quá trưa, anh bạn đưa tôi về thăm ba má anh ở Cao Lãnh, trên đường đi, anh nói:

- Hôm nay rằm, tôi có dặn ở nhà nấu một món ăn rất độc đáo để chiêu đãi ông!

Xe chạy đâu chừng hơn nửa tiếng là đến chỗ nhà anh. Bữa cơm trưa được má anh dọn sẵn, chỉ chờ chúng tôi về. Sau khi được mời vào bàn, anh bạn chỉ vào 1 tô canh khá lớn và hỏi:

- Chắc ông chưa ăn món này đâu, ăn đi rồi tôi giải thích ý nghĩa cho nghe!

Phải nói đây là tô canh quá đặc biệt, nó tổng hợp khá nhiều nguyên liệu nên không biết tên gọi của nó là gì, khi tôi hỏi, bạn đáp:

- Đây là món canh Kiểm, là món ăn chay truyền thống của người dân Nam bộ. Từ lâu rồi, trong những ngày rằm hay mồng một, mỗi nhà đều nấu món này như là thức ăn chính. Tại các chùa thì trong các dịp lễ tế lễ hay giỗ tết, nhà chùa cũng thết đãi khách thập phương đến tham gia lễ bái.

Khi hỏi về cách chế biến, anh nói:

- Nấu một nồi canh Kiểm không khó, vấn đề là phải mua cho đủ nguyên liệu như bột nếp, đậu phộng, dừa khô, khoai lang, bí đỏ, mướp…, đặc biệt nhất là bông trang đỏ, tất cả được hòa quyện vào nhau nhưng ông thấy đó, nó vẫn giữ lại được hương sắc và hương vị của từng loại, như vị béo của dừa, ngọt dịu của khoai, mướp…

Anh cũng cho biết thêm:

- Ngày trước để chế biến một nồi canh Kiểm, người ta chẳng theo một công thức nhất định nào về nguyên liệu, vì đây là món ăn mang tính cộng đồng nên được biến thể theo mùa, theo từng nơi, từng lúc. Tuy nhiên ở các chùa, cũng như tại tư gia khi nấu món Kiểm thường theo một cách thức chung; trong đó nguyên liệu cơ bản gồm: dừa tươi dày, dừa khô, bột nếp, hạt sen, đậu phụng, đậu đũa, mướp, khoai lang, khoai mì, khoai môn, nấm mèo, bí đỏ, mít, bông trang đỏ.

Ngày nay để nấu món Kiểm người ta thường thêm tàu hủ, cà rốt, khoai tây, nấm đông cô, nấm tuyết… nhưng lại thiếu bông trang đỏ, điều đó cũng làm mất đi ít nhiều nét duyên khi bài trí, thiếu hương thơm nhẹ của món ăn nhiều hương sắc này.

Đúng như lời anh nói, món canh độc đáo này này mang rất nhiều hương vị, tất cả đều là sản vật của vùng đất phương Nam.

Gần đây, tôi đã đọc được một bài viết của một tác giả đăng trên tạp chí, tác giả bài báo cho biết: Canh Kiểm được coi là món ăn mang tính tâm linh, văn hóa và nhân văn sâu sắc, thể hiện nhân sinh quan của những người con Phật ở đồng bằng Nam bộ. Trong nồi canh, không có nguyên liệu nào là chính, tất cả các nguyên liệu đều hòa quyện vào nhau, tạo hương vị chung nhưng vẫn giữ được dư vị của từng loại.

Mặc dù chỉ là món ăn, nhưng canh Kiểm có thể xem như là hình ảnh biểu tượng của miền Tây sông nước, nơi đó các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… chung sống, không có sự phân chia nhiều - ít; cùng nhau xây dựng một môi trường sống trong sáng, nghĩa tình mà mỗi cộng đồng đều giữ được những tinh hoa của riêng mình. Đó là tinh thần "bình đẳng" và "vô ngã" trong giáo lý nhà Phật; là sự gắn kết, tương thân tương ái của những con người đến đây trong những ngày đầu gian nan khai khẩn.

Ngày xưa khi đi chùa, cư dân mang theo những sản vật tốt tươi mà mình thu hoạch được để cúng dường chư Phật. Nhà chùa dùng các nguyên liệu đó nấu món chung. Như vậy, mọi người đều dâng được tấm lòng thành của mình lên chư Phật, chư Tăng trong cùng một món ăn mà không hề phân chia chính phụ…

Khi đất nước ngày càng phát triển, sự giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, có những tinh hoa văn hóa dần dần mai một. Giờ đây khi mỗi độ cúng lễ hay ngày rằm, mồng một, món Kiểm đã vắng bóng ở nhiều chùa, hoặc có mà thiếu đi “cái hồn” của nó...

Cảm ơn người bạn Đồng Tháp đã cho tôi biết ít nhiều về tấm lòng hướng về nguồn cội, tri ân người có công của người dân Nam bộ hiền hòa.

Cảm ơn anh đã cho tôi được thưởng thức một món ăn đặc biệt nhiều ý nghĩa, thể hiện sự gắn kết, bình đẳng, vô ngã của những con dân cư trú tại mãnh đất bốn mùa đầy hoa thơm và trái ngọt...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.