Campuchia trong hành trình khai thác dầu ở vùng biển gần Việt Nam

03/01/2021 19:24 GMT+7

Sau nhiều năm theo đuổi kế hoạch khai thác dầu ở vịnh Thái Lan, Campuchia vừa thông báo là sắp “hái quả”.

Dự kiến thu về 500 triệu USD trong giai đoạn đầu

Ngày 3.1, chuyên trang Oil Price đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa thông báo trên mạng xã hội rằng nước này sắp khai thác dầu mỏ ở block A nằm ở vịnh Thái Lan. Qua Facebook, ông Hun Sen viết: “Giọt dầu đầu tiên đã được tạo ra... Năm 2021, chúng tôi sẽ nhận được món quà to lớn dành cho đất nước mình”.
Dự án khai thác trên nằm trong liên doanh giữa Campuchia với Công ty KrisEnergy (Singapore) vào năm 2017 để phát triển việc khai thác dầu ở khu vực rộng khoảng 3.083 km2 nằm ở vịnh Thái Lan.
Theo phía KrisEnergy, việc khai thác sẽ bắt đầu ở vị trí nằm ở phía tây nam ngoài khơi tỉnh Sihanoukville, gần vùng biển VN. Dự kiến, Campuchia sẽ thu về khoảng 500 triệu USD trong giai đoạn đầu khai thác, với sản lượng khoảng 7.500 thùng dầu mỗi ngày. Năm 2014, KrisEnergy đã mua lại cổ phần của Tập đoàn Chevron (Mỹ) ở khu vực trên với giá 65 triệu USD.

Không muốn tiền ngủ dưới đáy biển

Suốt hàng chục năm qua, tham vọng khai thác dầu ngoài khơi được Campuchia theo đuổi, nhưng lần lượt nhiều đối tác từ Chevron đến PTT (Thái Lan) rồi Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đều lần lượt từ bỏ.
Dầu mỏ đã được phát hiện ở khu vực trên từ đầu những năm 2000 và Campuchia bắt đầu ký kết hợp tác với Chevron để khai thác, nhưng dự án khai thác đã bị đình trệ suốt nhiều năm.
Tháng 2.2009, Phó thủ tướng Campuchia khi đó là ông Sok An, đồng thời cũng đứng đầu cơ quan dầu khí quốc gia, đã phải sốt ruột lên tiếng với đại diện ngoại giao Mỹ rằng: “Chúng tôi không muốn tiền của mình nằm dưới đáy biển”. Nội dung vừa nêu được tiết lộ bởi các bức điện do Wikileaks tung ra, theo tờ Nikkei Asia. Phía đại diện ngoại giao Mỹ còn tiết lộ: “Ông ấy (Sok An) yêu cầu chính phủ Mỹ thúc đẩy Chevron sớm bắt đầu khai thác dầu”.
Trữ lượng của block A được cho là vào khoảng 400 – 500 triệu thùng, hứa hẹn nguồn lợi ích lên đến hàng tỉ USD. Thế nhưng, trong bối cảnh giá dầu giảm đi, hiệu quả khai thác khu vực trên cũng bị đánh giá giảm đi. Triển vọng khai thác càng mờ dần khi giá dầu lao dốc vào năm 2014. Và sau nhiều đàm phán bất thành với chính phủ Campuchia về tỷ lệ ăn chia, thì Chevron đành rút lui, nhượng cổ phần cho phía KrisEnergy.
Đến năm 2017, KrisEnergy đạt thỏa thuận với chính phủ Campuchia. Theo đó, phía chính phủ Campuchia nắm 5% cổ phần và ước tính thu về khoảng 500 triệu USD khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Các giai đoạn sau sẽ tiếp tục thương thảo.
Tuy nhiên, triển vọng của dự án vẫn chưa rõ ràng cho đến cuối tháng 10.2019, khi KrisEnergy thông báo bán bớt mảng kinh doanh ở Indonesia để tập trung cho dự án ở Campuchia. Và giờ đây, kế hoạch thực sự trở nên khả thi.
Theo giới quan sát, khai thác dầu mỏ được cho là một trong giải pháp để Campuchia giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng từ nước ngoài. Bên cạnh đó, mới đây, phía Trung Quốc bắt đầu kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu ở Campuchia và nhà máy này trở thành yếu tố để Campuchia kỳ vọng vào việc phát triển ngành dầu mỏ, góp phần phát triển kinh tế. Qua đó, Campuchia sẽ có thêm nguồn lực để khai thác dầu ở vịnh Thái Lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.