Sáng 23.10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay, tại thời điểm Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia vào năm 2021 thì quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, tỉnh đang lập nên các bộ, ngành, địa phương chưa xác định được đầy đủ nhu cầu sử dụng đất. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, đã làm phát sinh tăng hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất.
Cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng.
Trong đó, có nhiều dự án nằm ngoài danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, như dự án đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội, đường vành đại 3 TP.HCM; một số dự án đường cao tốc, đường quốc lộ trong phạm vi cả nước.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đối thủ đáng gờm của hàng không
Ông Duy cũng cho hay, T.Ư Đảng đã cho chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha, Quốc hội xem xét quyết định chủ trương tại kỳ họp này. Dự án, theo ông Duy, làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
"Như vậy, một số chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Quốc hội phê duyệt đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu không được điều chỉnh, bổ sung sẽ làm giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất cụ thể tại các địa phương, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án có khả năng thu hút đầu tư", Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh về cơ sở thực tiễn của việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Bộ trưởng TN-MT cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh.
Chính phủ đề xuất Quốc hội đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch, ghi vào nghị quyết chung của kỳ họp. Chính phủ sẽ trình để Quốc hội thông qua các nội dung điều chỉnh trong năm 2025.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, ủy ban này tán thành sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nêu rõ, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia có nhiều chỉ tiêu đạt thấp. Có chỉ tiêu còn chưa thực hiện, như đất xây dựng kho dự trữ quốc gia; đất khu kinh tế.
Bên cạnh đó, còn có sự chưa hợp lý trong việc phân bổ chỉ tiêu và khả năng thực hiện của các địa phương. Ví dụ, tại tỉnh Điện Biên, chỉ tiêu đất khu công nghiệp được phân bổ là 55 ha, tuy nhiên, đến nay chưa được thực hiện. Tỉnh Lai Châu chỉ tiêu đất khu công nghiệp được phân bổ là 200 ha, đến nay cũng chưa được thực hiện…
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất; tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn.
Cơ quan kiểm tra cũng lưu ý quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước trong việc giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, quan tâm đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất để phục vụ việc ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện tượng sạt lở, ngập úng, bồi lấp đất.
Bình luận (0)