Đó là tâm tư của nữ sinh Hoàng Mai (lớp 12) trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1) vào sáng 20.3.
Là người giơ tay đầu tiên đặt câu hỏi cho chuyên gia tư vấn trong chương trình, Hoàng Mai nói thay tâm tư của nhiều học sinh cuối cấp, đứng trước ngưỡng cửa vào ĐH.
"Trong năm cuối cấp, chúng em phải học rất nhiều, chương trình nặng, mỗi ngày chỉ được ngủ 3-4 giờ. Vậy thì học sinh phải sắp xếp, sử dụng thời gian như thế nào để cân bằng, có sức khỏe thể lực, tinh thần tốt nhất như các thầy cô khuyên?", Hoàng Mai hỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng đây là một câu hỏi rất hay. Thực tế, học sinh đang phải học rất nhiều, xử lý lượng kiến thức lớn nên bài toán là phải làm sao để sử dụng thời gian hiệu quả.
"Học sinh đã quen với câu nói của nhiều bậc cha mẹ, 'con ráng học cho giỏi và nhớ chơi thể thao, tập đàn…'. Tuy nhiên, các em đã học hết thời gian rồi còn đâu thời gian để nghỉ ngơi, rồi tập thể thao, tập đàn? Câu trả lời là học đúng cách, đúng giờ, sẽ có hiệu quả", tiến sĩ Chính nói.
Ông Chính lưu ý: "Có học sinh thức dậy lúc 3 giờ sáng để học, vậy cũng chưa hiệu quả. Có người lại chọn lúc 0 giờ để học cho yên tĩnh, nhưng đó cũng là không đúng cách, không hiệu quả vì trái với nhịp sinh học của con người. Dù học ít thời gian nhưng đúng thời điểm lại hiệu quả hơn".
Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng mỗi người sẽ có một cách học khác nhau và học sinh cũng đừng nên ôm đồm. "Quan trọng là biết lắng nghe cơ thể. Khi trong người cảm thấy mệt mỏi thì phải nghỉ ngơi. Có những bạn học nhiều tới quên ăn uống, quên chăm sóc bản thân như vậy là không nên", ông Chính chia sẻ.
Tiến sĩ Chính đưa ra lời khuyên: "Các em có thể đi bộ trong vòng nửa giờ chẳng hạn, khi cơ thể thoải mái, khỏe khoắn rồi hãy học tiếp. Học sinh cũng phải ăn uống điều độ, đừng bỏ bữa. Học có thể bỏ bữa, nhưng ăn thì tuyệt nhiên không được bỏ".
"Đừng thấy một siêu sao cái gì cũng giỏi rồi chúng ta ép bản thân phải học để giỏi theo. Mình có thể không xử lý khối lượng công việc bằng một người khác nhưng có cách để thực hiện mục tiêu của mình. Quan trọng là mình học vì bản thân mình mong muốn, đừng vì ép buộc", giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM dặn dò học sinh lớp 12.
Bình luận (0)