Cần bảng xếp hạng đại học riêng cho VN

12/04/2018 07:53 GMT+7

Tại hội thảo 'Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các đại học VN' do Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm qua (11.4), đại diện các trường ĐH cùng thống nhất ý kiến cần phải có một bảng xếp hạng đại học cho riêng VN.

Nhằm nâng cao chất lượng
Tại hội thảo, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng GD-ĐT, cho biết tới đây Bộ sẽ đưa việc xếp hạng ĐH thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên. “Mục đích không phải là xếp hạng. Mục đích là nâng cao chất lượng. Nhưng chất lượng gắn với xếp hạng giữa chúng ta và quốc tế, để thấy chúng ta đạt đến đâu về mặt chất lượng. Mục đích còn là nâng cao trách nhiệm của ĐH với cộng đồng, của ĐH trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cho biết, Bộ dự định thành lập một nhóm, bao gồm cả chuyên gia nước ngoài và trong nước, để hỗ trợ kỹ thuật các trường đang phát triển ở mức cao và có quyết tâm cao lọt vào các bảng xếp hạng thế giới. Ngoài ra, Bộ đang muốn lấy ý kiến các trường, các chuyên gia là liệu có cần một bảng xếp hạng riêng cho ĐH VN. Nên dựa vào bộ tiêu chí của bảng xếp hạng danh tiếng nào?
Tránh thương mại hóa
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tuy có nhiều bảng xếp hạng quốc tế nhưng rất khó lựa chọn một bảng xếp hạng phù hợp cho giáo dục ĐH VN. Do đó, cần có một bảng xếp hạng riêng cho VN.
Về cách thức tổ chức xếp hạng, PGS Sơn cho rằng nên theo cơ chế tự nguyện. Các trường tham gia xếp hạng lập thành một hiệp hội, từ đó đưa ra một bộ tiêu chí để Bộ GD-ĐT công nhận.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt vấn đề: “Cần phải có nghiên cứu là trong quá trình xếp hạng, khi nâng thứ hạng cao hơn, các trường đóng góp cho xã hội như thế nào?”. GS Minh cũng cho rằng cần phải trả lời được câu hỏi: “Liệu xếp hạng có phải là cuộc chơi của các nhà giàu?”, thì mới giải tỏa được nỗi lo lắng cho nhiều trường.
PGS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM là bắt buộc phải tham gia xếp hạng, dù muốn hay không. Ông Nghĩa cho biết, ủng hộ Bộ GD-ĐT ứng dụng bộ tiêu chí của QS Asia để xây dựng bộ xếp hạng riêng cho VN. “Chọn QS là bởi trong 3 bảng xếp hạng nổi tiếng nhất thì 2 bảng xếp hạng kia quá thiên về nghiên cứu, không phù hợp với bối cảnh giáo dục ĐH VN hiện nay. Bộ tiêu chí của QS Asia phù hợp với bối cảnh và trình độ VN”. Ông Nghĩa đề xuất: “Bộ GD-ĐT không làm trực tiếp mà có một đơn vị đứng ra làm. Đơn vị này tập hợp các chuyên gia lại”.
Tiến sĩ Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thì khuyến cáo, QS gần đây liên tục mời các ĐH tham gia hội thảo, mà các hội thảo này mang yếu tố thương mại nên Bộ phải hết sức cân nhắc.
Vắng bóng trong các bảng xếp hạng lớn của thế giới
Theo Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 16 bảng xếp hạng quốc tế được thừa nhận rộng rãi, trong số đó các bảng xếp hạng của QS (2004), THE (2010) và ARWU (2003) là các bảng xếp hạng lớn nhất, đang được quan tâm nhiều và phù hợp với VN.
Theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH VN vắng bóng trong các bảng xếp hạng lớn của thế giới. Trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018, VN có 5 trường ĐH xuất hiện, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội ở vị trí 139, ĐH Quốc gia TP.HCM 142, giữ vị trí lần lượt là số 1 và số 2 ở VN. Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở tốp 300, Trường ĐH Cần Thơ 350 và ĐH Huế tốp 400.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.