Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa ? - Kỳ 2: Những cách làm ít tốn kém

14/10/2014 03:00 GMT+7

Những cuốn “ sách giáo khoa ” do một nhóm tư nhân biên soạn cũng như bộ tài liệu dạy và học môn vật lý, toán ở một địa phương được thực hiện với chi phí thấp nhất có thể cũng là kinh nghiệm để Bộ GD-ĐT tham khảo.

Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa ? - Kỳ 2: Những cách làm ít tốn kém
Bộ Tài liệu dạy - học vật lý được giáo viên, học sinh tại TP.HCM đánh giá rất cao về tính hiệu quả, mà Sở GD-ĐT không phải chi ra đồng nào cho việc biên soạn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Người viết chỉ nhận thù lao bằng hoa hồng bán sách

Nhà giáo Phạm Toàn, người đứng đầu nhóm Cánh Buồm, hoạt động từ năm 2009 chia sẻ với Thanh Niên về chi phí, quá trình thực hiện bộ sách của nhóm. Ông Toàn kể: “Nhóm của chúng tôi được các tổ chức, cá nhân quyên góp tài trợ khoảng 300 triệu đồng nhưng nhiều năm nay tiền vẫn còn. Tất cả các tác giả và dịch giả sách Cánh Buồm đều không lấy nhuận bút. Tất cả tiền quỹ đều quay về nhóm dùng vào việc in sách mới hoặc tái bản”. Ông Toàn bảo:“Có lần chúng tôi ngồi tính toán, nếu chi tiêu theo quy định hiện hành của nhà nước thì hết khoảng 1,2 tỉ đồng/năm để làm bộ sách”.

Bắt đầu từ năm học 2011 - 2012, Sở GD-ĐT TP.HCM thí điểm Tài liệu dạy - học vật lý 6 do ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học chủ biên. Đến năm nay, khối THCS đã có đủ tài liệu này từ lớp 6 đến lớp 9. Nay Sở tiếp tục cho ra Tài liệu dạy - học toán 6 (do giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo viên trường chuyên, chuyên viên của Sở thực hiện). Bộ tài liệu này được giáo viên, học sinh tại TP.HCM đánh giá cao về tính hiệu quả, dễ học, dễ hiểu, sinh động và gần gũi cuộc sống.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, làm được bộ tài liệu ấy là nhờ vào sự đồng tình của cấp lãnh đạo cũng như tập thể ngành sư phạm. Sở GD-ĐT đồng ý về mặt chủ trương, tổ chức hội nghị cho các thành viên, giáo viên cốt cán để cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến thống nhất nội dung và hình thức thể hiện. Ông Tiến cho rằng Sở không phải bỏ ra đồng nào để làm bộ tài liệu. Những người biên soạn tự chụp, tìm hình ảnh, viết nội dung... Đến khi nhà xuất bản phát hành sách, dựa trên số lượng phát hành và tiêu thụ, nhóm biên soạn mới nhận được phần tiền hoa hồng. Đây được xem là thù lao cả quá trình biên soạn tài liệu.

Theo thông tin mà Thanh Niên có được, với mỗi quyển tài liệu hoàn chỉnh, nhóm biên soạn được trích hoa hồng khoảng hơn 100 triệu đồng. Những người biên soạn thống nhất nhận mức thù lao thật thấp nhằm giảm giá thành sách tài liệu xuống mức thấp nhất để học sinh và giáo viên dễ tiếp cận.

Phải có giáo viên phổ thông tham gia viết sách

Ông Phạm Toàn dự đoán đến năm 2016 chưa thể có bộ sách giáo khoa (SGK) mới được. Ông  nói: “Muốn đổi được bộ SGK thì ít nhất người ta phải biết ý tưởng phát triển như thế nào. Tôi mới thấy những cái liên quan đến tổ chức, đến tiền chứ chưa hình dung được bộ sách ấy sẽ như thế nào”. Theo ông Toàn, viết SGK phải là giáo viên, cho nên trường sư phạm phải dạy cho giáo viên cách để họ có thể chọn được một bộ sách phù hợp với học trò mình đang dạy. Nếu để hiệu trưởng chọn cũng dễ rơi vào tình trạng độc đoán.

Tương tự với nhận định này, một thành viên nhóm biên soạn Tài liệu dạy - học môn vật lý của TP.HCM cho biết: “Đội ngũ biên soạn phải giỏi, am hiểu chuyên môn để mạnh dạn đưa vào những thông tin, phát hiện mới (thay vì chỉ giữ lại những thông tin cũ, lạc hậu). Mặt khác, để đảm bảo tính chính xác với tất cả thông tin trong tài liệu”. Ông cũng cho rằng cần có giáo viên tham gia quá trình viết SGK vì họ là người trực tiếp giảng dạy nên biết thực tế học sinh cần gì. Họ trực tiếp dạy nên có những đóng góp mang tính phát hiện và chính xác.

Không riêng gì bộ sách của Bộ GD-ĐT

Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK, tôi thấy không sao cả, nhưng mà nói biên soạn xong thì bán bản quyền cho Nhà xuất bản Giáo dục, liệu có tự tin quá không? Chắc gì họ đã dùng bộ sách “anh” biên soạn mà bảo là bán bản quyền. Theo tôi, bất cứ nhóm tác giả nào cũng có quyền bán bản quyền bộ SGK mà mình biên soạn chứ không riêng gì bộ sách của Bộ GD-ĐT.

Nhà giáo Phạm Toàn

Tự soạn bài lấy không cần SGK cũng được

Quan niệm về chương trình, SGK hiện rất cứng nhắc. SGK là pháp lệnh, thầy giáo phải dạy theo đúng SGK... Trong khi trên thế giới không ai làm kiểu như vậy cả. Chương trình là cái khung, còn thực hiện cái khung ấy cụ thể phải là nhà giáo, nhà giáo tự dạy, có khi muốn tự soạn bài lấy không cần SGK cũng được.

GS Hoàng Tụy

Kinh phí giảm, phù hợp với thực tế giảng dạy

Đã nói là thay thì cái mới phải tiên tiến, phù hợp chứ không thì lại đi theo, giống như cái cũ. Vì vậy, nhà nước chỉ cần ban hành chương trình khung, sau đó huy động rộng rãi những người có trình độ, có tâm huyết, có thực tế tham gia biên soạn. Nếu giáo viên tham gia cùng viết thì chắc chắn SGK sẽ có tính liên thông, đáp ứng thực tế giảng dạy. Như vậy kinh phí sẽ giảm rất nhiều vì không còn phải dành cho việc tập huấn đội ngũ biên soạn.

Ông Nguyễn Văn Vượng
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM

Mạnh dạn thay đổi

Nhà nước nên mạnh dạn có những thay đổi trong cách làm SGK, cứ nên xã hội hóa, chứ ôm đồm như trước đây vừa thừa vừa khó đảm bảo khách quan. Giáo viên cũng rất thích thú khi tham gia viết sách vì đó là chuyên môn, hiểu được học sinh muốn gì...

Ông Nguyễn Văn Ngai
Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

 Tuệ Nguyễn - B.Thanh (ghi)

Tuệ Nguyễn - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.