Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa? - Kỳ 3: Không nên áp dụng cơ chế bao cấp

15/10/2014 06:05 GMT+7

Trong khi một số tổ chức, cá nhân cho rằng chỉ cần mấy trăm triệu đồng, thậm chí... không đồng nào cũng có thể biên soạn sách giáo khoa , thì Bộ GD-ĐT tính toán rất nhiều công đoạn cần đến tiền. Thế nên có ý kiến đề xuất cần một cơ chế tài chính khác để làm sách giáo khoa.

 Sách giáo khoa

>> Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa ?
>> Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa ? - Kỳ 2: Những cách làm ít tốn kém

Nhà nước nên cho vay

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay trong tổng số gần 800 tỉ đồng dự kiến cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) thì kinh phí dự kiến để biên soạn 1 bộ sách (do Bộ đảm nhiệm) là 321,6 tỉ đồng và toàn bộ kinh phí này là do ngân sách T.Ư cấp. Trong đó 34 tỉ đồng dành cho việc biên soạn bộ đề cương (thù lao cho tác giả làm đề cương, tổ chức trại viết trong quá trình dự thảo đề cương, dạy minh họa ở trường phổ thông, trưng cầu ý kiến, tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện bộ đề cương làm căn cứ biên soạn).

 

Không nên quay lại cơ chế bao cấp nữa. Nhà nước chỉ nên cho vay, các tổ chức, cá nhân làm SGK sẽ lấy tiền bán sách trả khoản vay này trong thời hạn nhất định. Giả sử Bộ vẫn trực tiếp biên soạn một bộ SGK thì cũng nên áp dụng cơ chế này

GS Nguyễn Minh Thuyết

Công tác biên soạn chính thức bộ SGK được dự kiến là 287,6 tỉ đồng. Bao gồm: thù lao cho thành viên ban biên soạn, tổ chức trại viết trong quá trình làm bản thảo; thực nghiệm; trưng cầu ý kiến; tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh sửa sau trưng cầu và thẩm định; chỉnh sửa, biên tập, hoàn thiện bản thảo để in.

Số tiền nói trên chưa hề có kinh phí thẩm định cũng như in ấn SGK thí điểm... Trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27.9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng mặc dù kinh phí dự kiến mới chỉ là con số khái toán nhưng chắc chắn khi thực hiện sẽ không có biến động lớn.

Đại diện Bộ cũng cho biết kinh phí cho mỗi đầu việc đều được tính toán dựa trên quy định về tài chính của nhà nước hiện hành. Để ra được các con số này, Bộ có sự bàn bạc, đối chiếu với liên bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư... Với các tác giả biên soạn chương trình - SGK, nguyên tắc chi trả thực hiện theo chế độ chi trả của Nghị định 18.2014 (áp dụng cho xuất bản từ năm 2014 trở đi) của Chính phủ về chế độ nhuận bút. Chế độ nhuận bút thực hiện tại Nhà xuất bản Giáo dục VN đối với SGK hiện hành được thực hiện theo công thức tiền nhuận bút 1 cuốn SGK mới = số tiết học x 30% đến 140% tiền lương tối thiểu.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mấy trăm tỉ đồng riêng cho việc biên soạn là con số mà các tổ chức, cá nhân có muốn biên soạn chắc cũng phải suy nghĩ lại vì cực khó có một số tiền lớn như vậy để “cạnh tranh” với Bộ.

 

SGK sẽ không còn tính pháp lý

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, SGK không có tính pháp lý vì SGK là một loại tài liệu dạy học quan trọng nhưng không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều SGK khác nhau cho cùng một môn học. Đồng thời giáo viên và học sinh có thể và cần phải tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác nhau nhưng tất cả đều phải căn cứ và đáp ứng được mục tiêu giáo dục và chuẩn kết quả cần đạt của chương trình”.

Vì thế, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị thay đổi cách “tiêu tiền” cho việc biên soạn. Ông phát biểu: “Không nên quay lại cơ chế bao cấp nữa. Nhà nước chỉ nên cho vay, các tổ chức, cá nhân làm SGK sẽ lấy tiền bán sách trả khoản vay này trong thời hạn nhất định. Giả sử Bộ vẫn trực tiếp biên soạn một bộ SGK thì cũng nên áp dụng cơ chế này”.

Có còn kiểm soát giá SGK?

Điều khiến dư luận lo ngại là khi thực hiện chương trình, SGK mới thì giá SGK sẽ tăng. Giá SGK hiện nay được đánh giá là thấp nhất trong các loại sách vì theo Pháp lệnh giá và các văn bản quy định thì trước năm 2013, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá. Theo đó, khi thực hiện điều chỉnh giá bán SGK, Nhà xuất bản Giáo dục VN thực hiện đăng ký và được phê duyệt, chấp thuận của Ban Vật giá Chính phủ (nay là Cục Quản lý giá) - Bộ Tài chính. Từ ngày 1.1.2013, luật Quản lý giá và các văn bản mới ban hành thì SGK thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.

Tờ trình của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 27.9 vừa qua có ghi: Sau khi bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn được hội đồng quốc gia thẩm định đủ điều kiện sử dụng sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ SGK này, kinh phí thu được từ bán bản quyền nộp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK mới nhằm giảm giá thành.

Tuy nhiên, việc bán bản quyền bộ SGK do Bộ chịu trách nhiệm biên soạn cũng khiến không ít người lo ngại rằng số tiền đó chắc chắn rồi người dân sẽ phải gánh chịu vì nhà xuất bản nào mua bản quyền đó đều sẽ tính vào giá SGK.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội đề nghị tại sao không đặt vấn đề cung cấp hoặc cho các trường mua phần mềm bộ SGK đó với giá rẻ để các trường in ra cho học sinh học tập hoặc học sinh học trên máy tính cá nhân của mình?

Lực lượng viết SGK ở đâu?

Theo Bộ GD-ĐT, lực lượng tham gia xây dựng chương trình hiện hành có hơn 200 người, trong đó đa số là giảng viên các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM. Tham gia biên soạn SGK có hơn 600 người, trong đó cán bộ quản lý, giáo viên thuộc các sở, phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông chiếm khoảng 17%.

Lần đổi mới này dự kiến cần huy động lực lượng lớn hơn. Chỉ có điều mong muốn và mục tiêu sẽ có một đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản để biên soạn chương trình, SGK từ lần thay SGK trước vẫn tiếp tục “lỡ hẹn” trong lần thay sách sắp tới.

Dự thảo đề án cũng nêu giải pháp “chữa cháy” để tăng cường năng lực cho đội ngũ tác giả chương trình, SGK và người tham gia thẩm định bằng cách tổ chức cho họ tham dự các khóa tập huấn, hội thảo ở trong nước, nước ngoài về xây dựng, triển khai và đánh giá chương trình, SGK...

Tuệ Nguyễn

>> Sách giáo khoa phớt lờ tác quyền
>> Gần 800 tỉ đồng đổi mới sách giáo khoa
>> Sẽ có sách giáo khoa riêng của TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.