Một số người trẻ cho rằng cần tiết kiệm được 100-200 triệu đồng hoặc nhiều hơn mới có thể "bỏ phố về quê" lập nghiệp. Vậy những người từng trải có những câu chuyện như thế nào?
Biến nhà kho cũ thành homestay với hơn 300 triệu đồng
Sau 6 năm học tập và làm việc ở Hà Nội, năm 2018, Phạm Diệu Linh (29 tuổi, quê Tuyên Quang) về vùng quê Mộc Châu để lập nghiệp.
Cầm trong tay số tiền hơn 300 triệu đồng từ việc tiết kiệm của bản thân và được gia đình hỗ trợ, cô thuê một nhà kho cũ với diện tích 180 m2 (cách trung tâm Mộc Châu 4 km) với giá 20 triệu đồng/năm, để dựng mô hình homestay (du lịch lưu trú).
Rời Hà Nội, Linh về Mộc Châu để phát triển sự nghiệp |
nvcc |
"Ban đầu, tôi dự trù kinh phí phát triển homestay khoảng 200 triệu đồng, nhưng sau khi tính toán lại là hơn 300 triệu đồng. May mắn là homestay đón được khách nhanh chóng sau đó, nhờ vậy tôi đã có tài chính để xoay xở những thứ khác", Linh chia sẻ.
Theo Linh, trước khi "bỏ phố về quê", người trẻ cần trang bị nhiều kỹ năng để tiết kiệm chi phí ban đầu. "Chẳng hạn, tôi làm hết tất cả việc trang trí, sơn tường, may rèm", cô chia sẻ.
Từ ngôi nhà cũ kỹ, Linh làm lại thành một homestay tuyệt đẹp |
nvcc |
Linh cho rằng, ngoài việc đi làm, tích góp tiền, bạn trẻ muốn về quê lập nghiệp có thể gọi vốn từ gia đình và người thân, bạn bè cùng chung chí hướng.
Một góc nhỏ bên trong homestay của Linh |
nvcc |
Đồng thời, cô gái 29 tuổi cho rằng cần lên kế hoạch chi tiết và tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc sống ở vùng quê vì mỗi nơi có đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu và hướng phát triển khác nhau.
"Trước khi lập nghiệp, tôi từng viết nội dung quảng cáo, làm quản gia cho một số homestay ở Mộc Châu nên tích lũy nhiều kiến thức và kinh nghiệm", Linh nói thêm.
Nông sản Linh tự trồng quanh khu homestay |
nvcc |
"Dù ở đâu, bản thân luôn cần có một công việc để duy trì cuộc sống. Bạn phải hiểu mình muốn gì, tìm ra được công việc vừa phù hợp với năng lực, đam mê thì mới tạo ra nguồn tài chính ổn định được", chủ homestay 29 tuổi chia sẻ.
Linh hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình |
nvcc |
"Tiền thì biết bao nhiêu là đủ"
Nói về vấn đề tài chính, một số người đã từng "bỏ phố về quê" lập nghiệp cho rằng đây không phải là yếu tố duy nhất để quyết định sự thành công.
Chẳng hạn, vào năm 2016, anh Hoàng Văn Hoàn (35 tuổi, ở Hà Giang) "bỏ phố về quê" khi công ty nhỏ phân phối dược phẩm của anh tại TP.HCM bị phá sản.
Anh Hoàn tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương từ các chương trình tour xe gắn máy |
nvcc |
Anh Hoàn đã đi làm thuê cho một cơ sở du lịch tại Hà Giang, chạy xe ôm chở du khách nước ngoài. "Mỗi ngày tôi phải chắt chiu từng đồng để có chi phí cuối tuần về Hà Nội mà tham gia các khóa học ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch", anh kể.
Bên cạnh đó, anh Hoàn đi chụp hình cảnh đẹp, cuộc sống, sinh hoạt của bà con địa phương, rồi đăng tải mạng xã hội. Trang "Amazing things in Ha Giang" trên Facebook do anh quản lý đến nay thu hút hơn 80.000 người tham gia. Đây cũng là nơi giúp anh tìm được nhiều khách du lịch.
Vào năm 2018, anh Hoàn bắt đầu xây dựng chương trình tour xe máy cho du khách đến tham quan du lịch tại Hà Giang. Theo đó, một du khách sẽ được một người chở đi khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
Anh Hoàn về quê xây dựng chương trình tour xe máy cho du khách |
nvcc |
Khi tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng, anh thành lập công ty vào tháng 5.2019, liên kết với người khác để mở thêm homestay, cho thuê xe máy…
Anh Hoàn nói: “Về quê nếu có tài chính thì sẽ đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, tiền thì biết bao nhiêu là đủ. Mấu chốt để “bỏ phố về quê" thành công là hành trang về kỹ năng sống, kiến thức các bạn được học ở xã hội ngoài kia là bao nhiêu, có phù hợp với những gì mình mong muốn hay xu hướng phát triển của quê hương hay không".
Anh Hoàn tận dụng những cảnh đẹp ở quê hương để lập nghiệp |
nvcc |
"Tôi may mắn khi khởi nghiệp đúng thời điểm du lịch Hà Giang bắt đầu phát triển. Tôi dám nghĩ, dám thay đổi để lấy những luồng gió mới về làm du lịch quê nhà với kinh nghiệm những năm bôn ba ra Bắc vào Nam", anh Hoàn tâm sự.
Bình luận (0)