Cần bảo vệ những cánh đồng

17/01/2024 06:16 GMT+7

Miền Bắc và miền Trung đang vào mùa gieo cấy vụ lúa đông xuân, đây cũng là thời điểm mà người dân nhiều địa phương phải diệt ốc bươu vàng hại lúa. Tuy nhiên, cách diệt ốc bươu vàng bằng các loại thuốc có độc tính cao đã gây ra nhiều tác hại khôn lường cho hệ sinh thái đồng ruộng.

Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai, du nhập vào Việt Nam từ những năm 1985 - 1988 để làm thực phẩm. Sinh vật này đã thoát ra môi trường, trở thành sinh vật gây hại cho nền nông nghiệp khi chúng sinh sản quá nhanh và tàn phá cây trồng.

Những năm qua, ốc bươu vàng trở thành nỗi ám ảnh cho nông dân ở nhiều địa phương vì chúng cắn ngang cây lúa non để ăn, khiến ruộng lúa bị hư hại, thậm chí mất trắng. Để diệt ốc bươu vàng, người dân trước đây thường sử dụng phương pháp thủ công như dùng cây xương rồng, cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì… chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mặt nước để thu nhặt ốc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, theo ghi nhận của người viết, tại Nghệ An, người dân ở nhiều địa phương đã sử dụng loại thuốc diệt ốc bươu vàng, trong đó có nhiều loại xuất xứ từ Trung Quốc, được bán trên thị trường về phun xuống ruộng lúa để tiêu diệt ốc. Cách này hiệu quả khi ốc trong ruộng bị tiêu diệt hết, tuy nhiên, những loại thuốc này có độc tính rất cao, gây ô nhiễm cho đồng ruộng mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết. Sau khi phun loại thuốc này, không chỉ ốc bươu vàng, rất nhiều sinh vật trong thửa ruộng bị giết chết, trong đó có nhiều sinh vật có lợi.

Nghệ An nổi tiếng về lươn đồng, có nhiều cánh đồng rất nhiều lươn, nhưng sau những đợt phun thuốc diệt ốc bươu vàng, lươn cũng đã trở nên ít hẳn, có những nơi lươn gần như không còn tồn tại. Đó là một minh chứng cho thấy sự biến mất dần của những sinh vật có lợi trên cánh đồng khi sử dụng thuốc diệt ốc bươu vàng có độc tính cao.

Có lẽ, không chỉ dừng lại ở sự khuyến cáo, ngành nông nghiệp cần thiết phải hành động để người nông dân nâng cao ý thức, hạn chế tối đa việc sử dụng loại thuốc nguy hiểm này để bảo vệ những cánh đồng trước khi quá muộn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.