'Căn bệnh thần thánh' của hoàng đế Caesar

20/04/2015 10:08 GMT+7

Hành vi bất thường của một trong những vị tướng nổi tiếng nhất lịch sử, Julius Caesar được cho là do các cơn đột quỵ nhẹ gây ra, có nghĩa là chẩn đoán thời đó có sai lệch và không đúng bệnh.

Hành vi bất thường của một trong những vị tướng nổi tiếng nhất lịch sử, Julius Caesar được cho là do các cơn đột quỵ nhẹ gây ra, có nghĩa là chẩn đoán thời đó có sai lệch và không đúng bệnh.

'Căn bệnh thần thánh' của hoàng đế CaesarBức vẽ Cái chết của Caesar của danh họa Vincenzo Camuccini vào năm1798 - Ảnh: ugo.bratelli.free.fr
Julius Caesar ngã quỵ trong trận chiến Thapsus vào năm 46 trước Công nguyên, buộc sĩ quan hầu cận phải hỏa tốc đưa về tuyến sau để giữ an toàn cho vị tướng. Người thời đó cho rằng đây là kết quả của một cơn động kinh - "căn bệnh thần thánh", dựa trên những triệu chứng khác như chóng mặt, hoa mắt, chân tay bủn rủn. Sau đó 2 năm, vị tướng tài ba của La Mã bị ám sát chết trong tình trạng bệnh tật; sử gia lúc đó cho rằng ngoài chứng động kinh, Caesar còn bị đau nửa đầu và thậm chí sốt rét. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đưa ra giả thuyết rằng Caesar có thể bị một loạt các cơn đột quỵ nhỏ gây ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần lẫn thể chất.
Các bác sĩ thuộc Đại học Hoàng đế London (Anh) đã rút ra kết luận trên sau khi nghiên cứu ở một góc nhìn khác các triệu chứng được ghi lại trong tài liệu sử học Hy Lạp lẫn La Mã, theo tờ Guardian. “Khả năng Caesar mắc bệnh tim mạch luôn bị bác bỏ dựa trên lập luận cho rằng đến lúc chết thể chất của ông vẫn tỏ ra bình thường trong các sự kiện chính thức lẫn đời thường”, theo các nhà nghiên cứu. Thế nhưng, trong lúc phân tích lại, bác sĩ Francesco Galassi cùng bác sĩ giải phẫu Hutan Ashrafian cho thấy có những triệu chứng mà đột quỵ nhẹ giải thích hợp lý hơn là chứng động kinh. Ví dụ, hoàng đế Caesar được ghi lại mắc chứng trầm cảm vào cuối đời, và đây có thể là hậu quả do đột quỵ gây nên đối với não.
Trong tiểu sử về Caesar, sử gia Hy Lạp Plutarch đã mô tả lại thời gian khó khăn mà nhà lãnh đạo bị giới quý tộc công kích dữ dội tại các sự kiện công khai. Điều này thậm chí diễn ra tại Viện Nguyên lão, tức hội đồng nhà nước cao nhất thời La Mã cổ đại, nơi sử sách ghi lại cảnh tượng ông thách thức bất cứ kẻ nào có gan giết chết mình thì cứ lên tiếng. Sử gia Plutarch cho hay Caesar sau đó đổ cho chứng động kinh đã đẩy ông vào tình trạng choáng váng khi đứng trước đám đông. “Khi hội chẩn lại các triệu chứng của vị tướng, có thể phát hiện những chi tiết cho thấy Caesar từng té ngã trong các cuộc viễn chinh tại Tây Ban Nha và châu Phi, cụ thể là trong trận chiến Cordoba và Thapsus”, theo các nhà nghiên cứu.
Có thể có vài lý do về mặt xã hội là nguyên nhân tại sao nhà lãnh đạo và người được ông chọn thừa kế Octavian cho rằng họ bị động kinh. Thời xưa, động kinh được cho là “căn bệnh thần thánh” trong cộng đồng Hy Lạp, hay nói đúng hơn giới bình dân cho rằng người bị co giật như vậy là được “thần linh nhập xác”. Trong văn chương, chứng động kinh thường xuất hiện ở những người nắm quyền lực và là đối tượng được thần thánh sủng ái. Tuy nhiên, rõ ràng là giới y khoa Hy - La thời đó không bị những lời như thế huyễn hoặc, và trên thực tế họ biết rõ về các triệu chứng gây nên động kinh. Trong luận án “Nghiên cứu về căn bệnh thần thánh”, Hippocrates đã ghi rõ ràng tình trạng bệnh động kinh, nhằm chứng minh rằng chuyện co giật cơ thể không bắt nguồn từ các thế lực siêu nhiên.
Các nhà nghiên cứu Anh cũng ghi nhận rằng cả cha Caesar và một người khác trong gia đình đã qua đời mà không rõ nguyên nhân. Dựa trên điều này, có thể họ cũng từng bị các trận đột quỵ nhẹ, một tình trạng có thể di truyền cho đời sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.