Cần biết gì khi Nga hủy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân?

Cần biết gì khi Nga hủy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân?

19/10/2023 09:04 GMT+7

Quốc hội Nga hôm 17.10 đã thực hiện bước đi đầu tiên hướng tới việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Vậy tại sao Nga lại thay đổi lập trường và động thái này có ý nghĩa gì?

Hôm 17.10, Nga đang có động thái hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Hạ viện nước này đã bỏ phiếu nhất trí thông qua việc rút lại phê chuẩn.

Moscow cho biết mục đích là nhằm khôi phục sự bình đẳng với Mỹ, quốc gia đã ký kết nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc rút lui này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang tăng tốc tiến tới thử nghiệm hạt nhân.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện là gì?

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện được đề xướng vào năm 1996, theo đó cấm các vụ nổ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào khác. Mục tiêu là để để giảm thiểu và loại bỏ sự phát triển của vũ khí hạt nhân.

187 quốc gia đã ký hiệp ước, trong đó 178 quốc gia thông qua luật tương ứng tại quốc hội của họ.

Trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Anh, Pháp và Nga đã ký và phê chuẩn thỏa thuận.

Mỹ, Israel và Trung Quốc đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn. Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên cũng chưa phê chuẩn.

Hiệp ước chỉ có thể có hiệu lực một cách hợp pháp khi 44 quốc gia nằm trong danh sách sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc có năng lượng hạt nhân và các lò phản ứng nghiên cứu đều đã ký kết và phê chuẩn.

Nhưng trên thực tế, nó đã tạo ra một chuẩn mực chống lại việc thử nghiệm hạt nhân.

Tại sao Nga thay đổi chiến lược?

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quyết định rút lại phê chuẩn là phản ánh tình trạng hiện tại của hiệp ước này ở Mỹ.

Đây là một động thái khác làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.

Moscow đã đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ vào tháng 2 và Tổng thống Putin đã triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật tới Belarus gần biên giới với Ukraine.

Nga có thể thử vũ khí hạt nhân?

Không có quốc gia nào, ngoại trừ Triều Tiên, thử nghiệm vũ khí hạt nhân kể từ những năm 1990.

Động thái rút khỏi Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện mang lại cho Nga cơ sở pháp lý để thử nghiệm nếu nước này có ý định.

Tuy nhiên, Moscow nói rằng đây không phải là một tuyên bố về ý định và họ sẽ không thử nghiệm hạt nhân trừ khi Mỹ làm vậy.

Nga cũng cam kết tiếp tục cung cấp dữ liệu cho hệ thống giám sát toàn cầu nhằm cảnh báo thế giới về các vụ thử hạt nhân.

Dù vậy, các nhà phân tích an ninh cho rằng Tổng thống Putin có thể để ngỏ lựa chọn thử vũ khí hạt nhân trong trường hợp chiến dịch quân sự tại Ukraine gặp bước lùi lớn, nhằm gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ khiến phương Tây phải lùi bước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.