Đồng Nai:

Cán bộ bấm điện thoại, bỏ ra ngoài khi lấy ý kiến người dân về giá bồi thường?

26/12/2023 21:01 GMT+7

Người dân phản ánh nhiều cán bộ rời khỏi hội trường hoặc ngồi bấm điện thoại tại cuộc họp lấy ý kiến về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa (Đồng Nai) tổ chức.

Sáng ngày 26.12, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cùng một số đơn vị liên quan tổ chức họp dân tại trụ sở UBND P.Hiệp Hòa để lấy ý kiến về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án gia cố bờ sông khu vực trụ T9 cầu Bửu Hòa.

Cán bộ bấm điện thoại, bỏ ra ngoài khi lấy ý kiến người dân về giá bồi thường?- Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Quý phát biểu tại cuộc họp

LÊ BÌNH

Chưa đồng thuận với giá bồi thường

Dự án gia cố bờ sông khu vực trụ T9 cầu Bửu Hòa được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 8.12.2021, với diện tích thu hồi hơn 1 ha. Qua 2 lần tổ chức họp dân để lấy ý kiến về mức giá bồi thường phục vụ dự án, đa số người dân vẫn chưa đồng tình vì cho rằng giá bồi thường quá thấp.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết gia đình ông bị thu hồi gần 650 m2 (trong đó có 100 m2 đất ở và còn lại là đất trồng cây và đất bị sạt lở). "Giá bồi thường đưa ra hiện nay thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, giá đất ở tại đô thị chỉ được bồi thường hơn 5 triệu đồng/m2, trong khi đó giá thực tế tại đây đang giao dịch trên 60 triệu/m2. Tương tự đất trồng cây lâu năm áp giá hơn 2,4 triệu/m2 trong khi thị trường khoảng 10 - 20 triệu/m2", ông Long phát biểu.

"Ngoài ra, giá bồi thường và hỗ trợ di dời cũng thấp so với thực tế. Như việc, hỗ trợ di dời hơn 20 m hàng rào khung sắt của gia đình tôi chỉ hơn 500.000 đồng, trong khi đó giá thuê nhân công di dời hàng rào sắt này phải hơn 5 triệu đồng. Tôi mong trung tâm phát triển quỹ đất cung cấp rõ căn cứ để áp dụng mức giá bồi thường như thế. Chúng tôi cũng cần được công khai, minh bạch về việc áp dụng mức giá bồi thường một cách thỏa đáng", ông Long nói thêm.

Cán bộ bấm điện thoại, bỏ ra ngoài khi lấy ý kiến người dân về giá bồi thường?- Ảnh 2.

Người dân phát biểu tại cuộc họp

LÊ BÌNH

Tương tự, ông Phạm Ngọc Quý cho biết gia đình ông có 1.280 m2 đất nằm trong dự án, được áp giá đền bù dao động từ 2,5 triệu đồng đến hơn 5 triệu/m2 (tùy loại đất). "Giá đất dự kiến bồi thường như vậy là quá thấp. Chúng tôi rất băn khoăn khi giá đất thị trường khu vực này có chỗ giao dịch gần 40 triệu/m2", ông Quý nói.

Cán bộ "bỏ ra ngoài"

Có mặt xuyên suốt cuộc họp, PV Thanh Niên nhiều lần chứng kiến có cán bộ tham gia cuộc họp thường xuyên bỏ ra ngoài. Bên trong phòng, một số cán bộ khác thì ngồi bấm điện thoại. Một người dân đã bức xúc vì điều này: "Chúng tôi phát biểu, đóng góp ý kiến, nhưng có cán bộ cứ bỏ ra ngoài, không nghe".

Kết thúc cuộc họp, PV Thanh Niên gặp bà Nguyễn Thị Kim Loan, Cán bộ Phòng bồi thường 1, thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP.Biên Hòa, đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm một số thông tin liên quan. Bà Loan cho biết: "Tôi không có trách nhiệm trả lời. Mọi vấn đề liên quan cần liên hệ Giám đốc trung tâm phát triển Quỹ đất TP.Biên Hòa".

Cán bộ bấm điện thoại, bỏ ra ngoài khi lấy ý kiến người dân về giá bồi thường?- Ảnh 3.

Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến người dân về mức giá đền bù

LÊ BÌNH

Trao đổi với PV Thanh Niên vào tối ngày 26.12, ông Phạm Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa, cho biết dự án gia cố trụ T9 đang bước vào giai đoạn cấp bách, liên quan đến việc chống sạt lở bờ sông, nên việc tổ chức cuộc họp nhằm ghi nhận, tổng hợp ý kiến người dân để lập phương án trình hội đồng bồi thường, quyết định mức giá theo quy định.

Khi PV đề cập đến thông tin người dân phản ánh việc các cán bộ thường xuyên ra ngoài cuộc họp, ông Hoàng chỉ nói "mong được cơ quan báo chí phối hợp và chia sẻ".

Có 29 hộ dân được mời đến dự họp, trong đó có 4 hộ vắng mặt. Kết thúc cuộc họp, 20/25 hộ dân không đồng ý với mức giá bồi thường được đưa ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.