Căn bệnh hình thức, gây lãng phí cho xã hội vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, đó là ý kiến của bạn đọc bức xúc sau khi đọc bài Treo đèn lồng để… xứng tầm đô thị đăng trên Thanh Niên ngày 22.12.
Cho vui chứ xứng tầm gì ?
Mỗi ngày lãnh đạo địa phương cần phải trả lời những câu hỏi bức bách từ cuộc sống: Đường phố đã sạch chưa? Còn rác không hay vẫn còn nhiều người vứt rác vô tư? Hết đói chưa, hay vẫn có vài người nhịn đói từ hôm qua đến giờ vẫn chưa có gì bỏ bụng. Đừng rảnh rỗi quá không chịu nghĩ ra sáng kiến gì ích nước, lợi dân mà chỉ bày trò treo đèn cho vui.
Nguyễn Thị Gái
([email protected])
Phải hỏi ý kiến người dân
Việc đề xuất ra những hoạt động văn hóa như "treo đèn lồng" trong các khu phố, đô thị cần phù hợp với văn hóa và bản sắc từng vùng miền. Không nên quản lý chạy theo phong trào, lãnh đạo đi học tập kinh nghiệm cứ thấy nơi khác làm gì là trở về bắt buộc người dân ở địa phương làm theo như vậy, dù thực tế không thực sự cần thiết. Tại sao không lấy ý kiến của người dân trước khi thực hiện công việc treo đèn lồng? Theo tôi, cần nâng tầm của lãnh đạo cho xứng tầm đô thị hơn là bắt người dân đồng loạt... treo đèn.
Trần Bình Luận
([email protected])
Ý nghĩa nhất là treo cờ Tổ quốc
Những ngày tết cổ truyền, tôi nghĩ treo cờ Tổ quốc là việc làm thiết thực và ý nghĩa nhất hơn là phát động treo lồng đèn. Thời buổi khủng hoảng kinh tế, người dân nghèo đang “thắt lưng, buộc bụng” đủ thứ, việc bắt buộc mua sắm hàng loạt lồng đèn để… xứng tầm đô thị là việc làm gây tốn kém đáng lên án. Vụ “treo lồng đèn” ở Bình Định cần phải yêu cầu cán bộ nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để chấn chỉnh căn bệnh hình thức đang lờn thuốc.
Phạm Ngọc Nhuận
([email protected])
Lê Công Sơn |
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
>> Treo lồng đèn để... xứng tầm đô thị
>> Nhộn nhịp “phố lồng đèn” Hà Nội
>> Xóm… lồng đèn
Bình luận (0)