'Cán bộ cấp cao phải ra vành móng ngựa thì công tác cán bộ phải xem lại'

09/09/2022 13:12 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật để lại hậu quả lớn làm người dân mất niềm tin vào Đảng, chế độ và đề nghị phải xem lại công tác cán bộ.

Sáng 9.9, Ủy ban Tư pháp Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 7, thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Chính phủ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Tư pháp, nêu ý kiến tại phiên họp

gia hân

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, một vấn đề nổi lên thời gian qua là gia tăng tình trạng tội phạm trong giới "công bộc của dân".

Ông dẫn ví dụ, bạo hành với hàng xóm cũng có công chức, cán bộ hay bạo hành với người tình như cán bộ quản lý thị trường ở Thanh Hóa có vợ con nhưng đi hát karaoke rồi ghen tuông, lôi người tình về hành hạ nhiều tiếng, xé quần áo, quay video, xác định thương tích đến 21%...

Cũng có trường hợp cán bộ công chức xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục rồi chạy án, bảo kê, liên quan các vụ án thị trường chứng khoán như FLC, Tân Hoàng Minh...

Ông Nghĩa phân tích, cử tri quan tâm đến tội phạm trong công bộc, công chức bởi người dân chờ đợi ở họ những quy chuẩn đạo đức cao hơn thông thường; và tin khi tuyển dụng họ vào bộ máy nhà nước thì quy trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian rất dài.

"Hàng ngàn vụ trộm cắp khó nguy hại bằng một vụ Việt Á"

Đại biểu TP.HCM cũng nhìn nhận, thực tế, trong lúc khó khăn, khủng hoảng, khi tính mạng, cuộc sống của hàng triệu người bị đe dọa, đảo lộn do dịch Covid-19 đã có rất nhiều công bộc bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu dân, giúp dân như các công, viên chức trong ngành y...

Tuy nhiên, ngược lại, một nhóm công chức cao cấp lại câu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi.

Phiên họp toàn thể thứ 7 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội

gia hân

"Về tính chất, tác hại của tội phạm thì hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại nhưng khó nguy hiểm, nguy hại, tác hại lớn bằng vụ Việt Á, Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Bởi các vụ án này làm mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước", ông Nghĩa nói và cho rằng người dân đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn có những băn khoăn, lo lắng.

Từ phân tích đó, ông Nghĩa đề nghị cần có thay đổi mang tính chất đột phá về phương pháp, chính sách trong công tác cán bộ.

"Những người dày dặn công tác mấy chục năm đưa lên vị trí rất cao rồi lại phải đứng trước vành móng ngựa thì công tác cán bộ phải xem xét lại. Từ phòng chống tội phạm, tham nhũng chúng ta phải có đánh giá nguyên nhân sâu xa của tham nhũng, đề xuất các chính sách về công tác cán bộ", ông Nghĩa đề nghị.

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 2022 Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ cũng đánh giá, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong các hạn chế của công tác này.

Theo báo cáo, Chính phủ nhận định, một số bộ, ngành, địa phương còn xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ; một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Về nguyên nhân, Chính phủ cho rằng, thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở cơ sở còn khó khăn; một bộ phận thiếu tu dưỡng nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.