Cán bộ được đề xuất miễn xử lý kỷ luật trong những trường hợp nào?

27/03/2023 17:50 GMT+7

Cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định, nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại sẽ được miễn xử lý kỷ luật.

Đề xuất trên được Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung vừa được công bố.

Cán bộ sẽ được miễn xử lý kỷ luật trong những trường hợp nào?   - Ảnh 1.

Tọa đàm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm do Báo Thanh Niên tổ chức

NGỌC THẮNG

7 trường hợp được xem xét miễn kỷ luật

Theo Bộ Nội vụ, đây là nghị định mới, khó, có tính chính trị, cần sớm trình Chính phủ ban hành để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để thể chế hóa chủ trương tại Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận xã hội; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Về bảo vệ cán bộ, dự thảo quy định cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc đưa ra quy định này là sự đảm bảo về mặt pháp lý để cán bộ mạnh dạn đề xuất thực hiện các kế hoạch, đề án.

Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của bộ luật Dân sự.

Cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất.

Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.

Cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất.

Cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Cán bộ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt.

Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Cản trở cán bộ trong thực hiện đề xuất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nhằm tăng cường cơ chế bảo vệ cán bộ, dự thảo nghị định cũng quy định về trách nhiệm của cán bộ; trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu cơ quan quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan.

Việc quy định này nhằm đảm bảo đề xuất, kế hoạch, đề án được thực hiện có hiệu quả cũng như tránh sự cản trở, tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, cán bộ nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...

Dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các địa phương để hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.