Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 5.11, Sở Xây dựng Thái Bình đã công bố các quyết định cách chức Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình, buộc thôi việc đối với ông Phùng Văn Chiến. Trước đó, ngày 4.11, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Bình cũng đã công bố quyết định khai trừ Đảng đối với ông Phùng Văn Chiến.
Ông Chiến bị xác định có vi phạm trong việc sử dụng văn bằng chuyên môn để được tuyển dụng, bổ nhiệm. Theo hồ sơ ông Chiến cung cấp, ông có bằng tốt nghiệp Trường Đại học dân lập Đông Đô ngành kiến trúc vào năm 2002. Tuy nhiên, văn bằng này hiện được xác định là giả.
Ông Phùng Văn Chiến (phải) nhận hoa chúc mừng thời điểm được lãnh đạo Sở Xây dựng bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình năm 2018 |
Trang web Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình |
Dẹp nạn chạy chức, chạy quyền
Nhiều bạn đọc (BĐ) đã rất ủng hộ cách xử lý kiên quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Bình và Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình. BĐ Dương Văn Tuấn nêu: “Hoàn toàn ủng hộ hình thức xử lý. Rất nhanh, không thể để những con người gian dối về bằng cấp tồn tại trong hàng ngũ cán bộ”, đồng thời BĐ “mong có đợt rà soát trên toàn quốc để loại bỏ hẳn, dẹp tan nạn chạy chức, chạy quyền”. Một BĐ khác lưu ý đây là trường hợp “cán bộ cố ý dùng bằng giả” nên việc xử lý cần thực sự mạnh tay hơn, vì tham vọng chức quyền đã chứng tỏ có thể khiến người ta liều lĩnh, bất chấp đến mức độ nào.
Từ thông tin được báo chí đăng tải, BĐ Minh Nghĩa phân tích việc ông Chiến sử dụng bằng cấp (giả) từ năm 2002 để đến năm 2018 được bổ nhiệm vị trí viện trưởng một viện chuyên môn, đến 2021 mới hoàn toàn bị phát hiện, đã thấy công tác cán bộ ở Sở Xây dựng Thái Bình có nhiều điểm đáng băn khoăn. Chưa kể, bức tranh quy hoạch xây dựng tại địa phương từ nhiều năm nay đã như thế nào khi người đứng đầu viện chuyên môn của Sở Xây dựng đã quen với việc… dùng bằng giả. “Một người không có bằng cấp mà qua mặt bao nhiêu lãnh đạo Sở Xây dựng để được đặt vào vị trí đó thì tôi không hiểu lãnh đạo dựa vào tiêu chí gì mà bổ nhiệm cán bộ nữa. Cần điều tra có dấu hiệu mua quan bán chức không? Bản thân người dùng bằng giả trong trường hợp này có phạm tội hình sự không?”, BĐ Nguyen Van Hoang đặt câu hỏi.
Minh bạch trách nhiệm
Câu chuyện của ông “viện trưởng bằng giả” còn nhiều hệ lụy phía sau nếu các cơ quan chức năng tiếp tục bóc tách. BĐ Bao water cho rằng gốc rễ việc này cũng phải được xử lý, nếu không, việc khai trừ, buộc thôi việc cũng chỉ mới cơ bản “cắt phần ngọn”. BĐ liên tiếp đặt câu hỏi: Ai là người thẩm tra, rà soát lý lịch ông Chiến khi xét tuyển (hoặc thi tuyển) công chức? Ai đã đề nghị, ký bổ nhiệm ông này qua các cương vị chức vụ? Nhiều BĐ lưu ý quy trình tuyển công chức đều phải kiểm tra văn bằng, chứng chỉ phù hợp và nhiều tiêu chí khác; các đợt bổ nhiệm cũng vậy, đều phải rà soát nhiều nguồn.
Đáng chú ý, một nguồn tin cho biết thời điểm được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thái Bình, ông Chiến chưa là viên chức.
Theo nhiều BĐ, việc xử lý tức thời, giải quyết trắng đen vụ việc đã được các cơ quan chức năng tiến hành, công bố kết quả. Tuy nhiên, điều quan trọng tiếp theo là tính minh bạch trách nhiệm - trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được phân công xác minh, kiểm tra theo yêu cầu của quy trình bổ nhiệm cán bộ vốn rất chặt chẽ. Nếu không minh bạch xử lý được người chịu trách nhiệm thật sự, vấn nạn bằng cấp giả sẽ có nguy cơ tiếp tục làm mất uy tín tổ chức.
lCần điều tra xem kỹ lại ông viện trưởng bằng giả này đã xét duyệt bao nhiêu công trình? Coi xem hậu quả như thế nào?
Thương Nam Nguyễn/T.B
lDấu hỏi lớn đặt ra về công tác tuyển dụng, rà soát lý lịch để bổ nhiệm. Ai phải chịu trách nhiệm hay kiểm điểm rút kinh nghiệm là xong? Liệu còn bao nhiêu ông/bà như thế này?
Bao water
lPhải cương quyết xử lý như thế mới có tính răn đe và phòng chống gian lận. Thậm chí, có thể truy buộc đương sự bồi thường (hoàn trả) tiền lương, chế độ (khoản chênh lệch) lĩnh sai quy định.
Bình luận (0)