Sáng 27.5,tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng 12 và các chỉ thị,kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về hiện tượng có một bộ phận khá phổ biến trong cán bộ sống "quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán", " vô trách nhiệm với dân "...và có cả những "cán bộ quan cách", xa lạ "đặc quyền đặc lợi" "như những ông vua con".
Theo Tổng bí thư,tuy nó không phải là phổ biến nhưng cũng đã rất nghiêm trọng và "chúng ta không thể xem thường những biểu hiện này" bởi nó có thể làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ...
Tôi cho rằng, đây có lẽ là bài phát biểu có nhiều hàm xúc, căn cơ với những ẩn chứa đáng suy ngẫm nhất của vị đứng đầu Đảng ta kể từ sau Đại hội 12 đến nay.
Trong bài viết này, tôi chỉ bàn về một khía cạnh nhỏ trong vô vàn nội dung được Tổng bí thư đề cập tại hội nghị, đó là biểu hiện của một bộ phận cán bộ có chức có quyền sống quan cách,xa lạ với dân.
Mới đây, tôi có đọc trên VietNamnet một bài viết của tác giả Bùi Phú Châu có tựa đề "Nhiều người vừa lên chức bỗng nhiên khác hẳn". Bài viết có đoạn khá thú vị và đáng để chúng ta phải suy nghĩ, nhất là ở thời điểm này (TBT Nguyễn Phú Trọng vừa đề cập về bệnh xa dân và quan cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo hôm nay). Tác giả đã viết:
"Ngày 22.5, 98,77% cử tri của chúng ta đã đồng loạt đi bầu cử trong một cuộc bầu cử hòa bình và dân chủ, một tỷ lệ mà dù nói thế nào, cũng rất đáng tự hào.
Bản thân tôi không coi đó là ngày hội mà coi đó là một biểu hiện thiêng liêng cho niềm tin của nhân dân đối với việc xây dựng nên nhà nước của chính mình.
[...] Nói những điều này là để thấy rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, đối với chính quyền mà chúng ta đã trực tiếp hay sẽ gián tiếp bầu ra, đó thực sự chính là chính quyền được dựng nên bởi một cuộc bầu cử dân chủ, bằng niềm tin thiêng liêng của nhân dân.
Nhưng sau tất cả, các bài học của lịch sử đã từng diễn ra trên thế giới ít nhiều có thể coi là điển hình, cho thấy một cuộc bầu cử dân chủ thành công thôi là chưa đủ. Điều quan trọng nhất của quyền lực nhà nước không phải là nó được tạo nên như thế nào, mà phải là nó sẽ được kiểm soát ra sao.
Nguy cơ quyền lực tạo nên sự tha hóa phải được nhìn nhận thẳng thắn, không né tránh, và là điều kiện sống còn để một quốc gia ổn định và phát triển."
Rồi tác giả có trích ra một đoạn đáng lưu ý trong bài viết của TS.Vũ Ngọc Hoàng, một người từng làm công tác tư tưởng của Đảng, từng tham gia BCH Trung ương Đảng khoá 11 với cương vị Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, vậy mà ông đã nhìn ra một điều ít người dám nêu. Ông bảo: “Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất. Không ít người chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, họ có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, nói năng ra oai hơn...".
Bác Hồ cày ruộng cùng bà con nông dân - Ảnh TL
|
Báo VN Espresse hôm 28.5 có bài viết của tác giả Bùi Huy Hội. Anh kể lại một câu chuyện của cha anh, một cán bộ dưới quyền Chủ nhiệm Tổng cục Chính tri Nguyễn Chí Thanh những năm chiến đấu chống Thực dân Pháp. Chuyện đại để rằng:
Trong chiến dịch Thu Đông 1951, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Nguyễn Chí Thanh, lúc đó mới 37 tuổi, trực tiếp thị sát các đơn vị của Sư đoàn 312, tham gia chiến dịch mang tên Hoàng Hoa Thám. Ông Thanh là vị tướng có tác phong quần chúng, giản dị. Nhìn ông giống bất kỳ anh lính dã chiến, hoặc dân công hỏa tuyến nào đang tham gia chiến dịch, cũng không khác chú bảo vệ và mấy chiến sĩ văn công, văn nghệ cùng đi...
"Một lần, trên đường đi, gặp con suối rộng chừng hơn hai chục thước, tình cờ có viên sĩ quan cùng vượt suối. Viên sĩ quan diện mũ lưỡi trai, quần kaki, áo vét chiến lợi phẩm, giày "ghệt" đóng đinh nện vào đá sỏi trên đường kêu rất oách. Thấy con suối lổn nhổn đá tảng và rêu trơn, quay nhìn sang hai bên, viên sĩ quan hỏi bâng quơ, vừa hách, vừa thân mật: "Cậu nào cõng tớ qua suối tí nhỉ?". Ông Thanh xông lên mấy bước, nói rất gọn: "Báo cáo, để em cõng thủ trưởng"" .
Viên sĩ quan ung dung trèo lên lưng ông Tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông Thanh thản nhiên, vui vẻ ghé lưng cõng viên sĩ quan.
Đến giữa suối, sau những câu hỏi hách dịch của viên sĩ quan về tên tuổi đơn vị, ông tướng mới xưng tên mình là Nguyễn Chí Thanh. Vị sĩ quan tá hỏa, mếu máo, lắp bắp không thành tiếng. Anh ta chuyển cách xưng hô, van vỉ: “Em lạy thủ trưởng! Thủ trưởng tha cho em, cho em xuống ạ!”. Giọng vị tướng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Ơ kìa, cậu này lạ nhỉ. Lính với lính cả. Tớ cõng cậu có sao đâu? Ngồi yên, không ngã cả hai thằng bây giờ”.
Thật là một bài học nhớ đời đối với vị sĩ quan nọ.
Tôi nghĩ là như vậy bởi bản thân tôi cũng đã từng được cha tôi kể một câu chuyện mà cái câu chuyện ấy trở thành một bài học cho mỗi người cán bộ. Nó đã đeo đẳng trong đầu cha tôi đến suốt đời về lối sống dung dị của Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp và tự thấy phải ráng học Cụ để phục vụ nhân dân. Chuyện đó đã khiến cha tôi hôm ấy chỉ mong tìm được một cái lỗ nẻ để chui xuống cho đỡ xấu hổ trước vị lãnh tụ quá giản dị nhưng vĩ đại của dân tộc Việt Nam là Bác Hồ.
Vào năm 1953, khi cha tôi lúc đó mới 25 tuổi, ông đã được Bộ Giao thông Công chính giao phụ trách Quyền Trưởng ty Giao thông Cao Bằng. Do phụ trách trực tiếp khâu kỹ thuật đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch, mỗi ngày ông đều phải đi khoảng dăm ba chục cây số đường rừng để đôn đốc dân công sửa chữa, gia cố đường do lún, sụt vì lũ, vì bom địch thả... Vì phải đi lại quá nhiều trong ngày, ông thường cưỡi ngựa cho nhanh.
Thế rồi trong một lần, khi đang đi ngựa như mọi lần thì bỗng phát hiện ra Bác Hồ đi bộ ngược chiều với ông. Bác Hồ giả trang bằng cách cuốn bộ râu của mình vào trong chiếc khăn, buộc gọn rồi nhét vào khe cổ áo,miệng đang hút thuốc và tay thì chống gậy đi thoăn thoắt. Đi theo Bác là hai người lính trẻ, kiểu như bảo vệ và cần vụ đi cùng mà chẳng hề có con ngựa nào hết để Bác đi.
Do đã từng được gặp Bác Hồ tại Đại hội Chiến sĩ thi đua năm 1952 nên cha tôi dễ dàng nhận ra đôi mắt của Người, một đôi mắt sáng lạ thường. Đôi mắt đó thì sẽ khó có thể dấu nổi ai nếu họ đã có dịp gặp Bác.
Xấu hổ, bất ngờ đến mức lúng túng khi vô tình đứng trước một vị lãnh tụ anh minh, giản dị nhưng lại ở tình huống dở khóc dở cười quá khó xử đó. Cha tôi không dám nhìn lâu vào đôi mắt của Người mà giả đò không biết và đi luôn. Có lẽ Bác cũng không muốn để ai biết và nhận ra mình nên mới lấy khăn che râu. Bây giờ mà chủ động chào Bác thì chắc gì Bác vui? Cha tôi đâm ra phân vân.
Hơn nữa, chính cha tôi là người đang cảm thấy ngượng ngùng vô cùng trước tác phong giản dị của Người đến vậy. "Giờ, nếu mình có ý nhường ngựa cho Bác thì chắc Bác cũng chẳng chịu vì Bác đi ngược đường với mình" , ông lưỡng lự tính quay lại mời Bác lên ngựa nhưng rồi cũng không dám ...
Cha tôi bảo , cũng không phải vì cái lần tưởng là may mắn được gặp Bác ấy nhưng lại muốn độn thổ chỉ vì xấu hổ mà hôm sau, ông sẽ đi bộ mỗi ngày trên cung đường mình phụ trách. Cái điều rút ra được là thấy Bác Hồ quá giản dị mà ráng học theo...
Gần đây, dư luận và dân mạng hay đưa những tấm hình các quan chức nói chuyện trước dân được một ai đó cầm ô che nắng hoặc mưa cho mình, trong khi người cầm ô phục vụ thì nắng xói vào người. Rồi thì cảnh lãnh đạo xuống xe, trời mưa lại không muốn cởi giầy mà để người khác cõng qua vũng nước...
Tất cả những chuyện đó, trông rất phản cảm và bị dân mạng chỉ trích là lớp cán bộ lãnh đạo hôm nay đã khác xưa về phong cách sống nhiều quá. Có lẽ đây cũng là bài học của thời công nghệ thông tin. Nó được cập nhật quá nhanh. Chỉ vài giây sau cú post của người nào đó vô tình chớp được "của độc" thì coi như cả nước đã nhìn thấy, rất khó xoá sạch. Chính những điều đó đã làm mất đi hình ảnh tốt đẹp vốn có về một lớp công bộc của dân nay đang có dấu hiệu xa dân tới mức đáng lo.
Bình luận (0)