Đó là một trong những yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đặt ra tại buổi làm việc ngày 30.6 giữa Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với lãnh đạo các ban thuộc tỉnh ủy gồm: Tuyên giáo, Tổ chức và Dân vận trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu".
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu"; nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và dư luận trong nhân dân về chủ trương này.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng ban hành Hướng dẫn số 05 về hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội ở nơi thực hiện xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu"; ban hành quyết định phân công nhiệm vụ cho cán bộ, chuyên viên theo dõi địa bàn gắn với trách nhiệm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng, thực tế vẫn còn một bộ phận đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn chưa hiểu rõ chủ trương, chính sách của đề án xây dựng thí điểm mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu". Người dân chưa nhận thức rõ mình là chủ thể của chương trình này.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" cần đa dạng về phương thức như trên loa truyền thanh, mạng xã hội... hoặc đặt hàng các đơn vị nghệ thuật xây dựng kịch bản, sân khấu hóa các nội dung về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu"; thông qua các cuộc thi, công diễn chương trình nghệ thuật để tạo sức lan tỏa trong nhân dân.
Công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ mình là chủ thể chính trong xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu", giúp đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được nâng cao, từ đó thu hút người dân tự giác tham gia.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng yêu cầu lồng ghép nội dung xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" vào các buổi sinh hoạt chi bộ ở các thôn, tổ dân phố hàng tháng. Đặc biệt, cán bộ dân vận phải thường xuyên về dự các cuộc họp của thôn, làng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" được thành công tốt đẹp.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, đến hết năm 2030, Vĩnh Phúc có tối thiểu 60 làng đạt tiêu chí "Làng văn hóa kiểu mẫu". Trong đó, đến hết năm 2025 có 30 làng, đến năm 2027 có 60 làng.
"Làng văn hóa kiểu mẫu" có các đặc trưng về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.
Các "Làng văn hóa kiểu mẫu" có môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Vĩnh Phúc coi xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Bình luận (0)