Cán bộ thú y “biến” lợn bệnh thành lợn ngon: Làm giả giấy tờ để đối phó?

12/04/2018 05:03 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng kiểm soát giết mổ sai quy trình nghiêm trọng tại Quảng Bình, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm; Cục Thú y lập đoàn xác minh.

Thế nhưng, lực lượng thú y Quảng Bình lại tìm mọi cách đối phó để rồi “lòi” ra những sai phạm khác!
Ngày 7.4, ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương (chủ 2 lò giết mổ gia súc tập trung là Hải Dương 1 và 2 ở P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) đã có tờ trình gửi Báo Thanh Niên, trong đó có nội dung: “Bà Lại Thị Thanh Phương, cán bộ Trạm chăn nuôi và thú y Đồng Hới (CN-TY) đưa các hộ giết mổ lợn ký khống vào biên bản kiểm tra để ghi nội dung không đúng sự thật báo cáo lên cấp trên và làm xấu hình ảnh của công ty”.
Như Báo Thanh Niên số ra ngày 22.3 có bài Cán bộ thú y “biến” lợn bệnh thành lợn ngon, phản ánh, bà Phương, ông Phan Xuân Phong và ông Hoàng Mạnh Khang là cán bộ thú y thuộc Trạm CN-TY Đồng Hới luân phiên nhau làm công tác kiểm soát giết mổ tại lò mổ Hải Dương 1 nhưng không tuân thủ các quy trình kiểm soát giết mổ được quy định. Nghiêm trọng hơn, lợn chết toàn thân đỏ tím, móng chân chảy máu và lợn bị lở loét ở chân, mưng mủ, miệng sùi bọt trắng, không đi lại được (các triệu chứng giống bệnh lở mồm long móng) nhưng bà Phương vẫn ghi trong biên bản là “lợn bình thường, ổn định, không thấy có triệu chứng khác lạ” rồi cho giết mổ, tiêu thụ.
Sau đó, Chi cục CN-TY Quảng Bình tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 tập thể và 4 cá nhân (một người bị tạm đình chỉ công tác) nhưng trong đó không có tên bà Phương.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đi kiểm tra theo chỉ đạo tối 24.3 nhưng không làm đến nơi
Dấu hiệu làm giả giấy tờ
Trong công tác kiểm soát giết mổ sai quy định mà Báo Thanh Niên phản ánh, có nội dung về việc ghi chép sổ sách của các nhân viên thú y rất cẩu thả, qua loa và lò mổ xuống cấp, bẩn nhưng luôn được nhân viên ghi và đồng ý ký biên bản với nội dung “lò bình thường, vệ sinh sạch sẽ”.
Thật ngạc nhiên, trong hồ sơ ở cơ quan chức năng về vụ việc, chúng tôi đã phát hiện 2 biên bản có dấu hiệu do bà Phương làm khống để đối phó. Cụ thể, tại biên bản bà Phương ghi ngày 13.3 gồm thành phần: bà Phương, ông Nguyễn Văn Dương và 3 hộ giết mổ nhưng không có chữ ký của ông Dương. Thực tế theo lịch của Trạm CN-TY Đồng Hới cũng như sổ biên bản của lò Hải Dương 1 thì từ ngày 12 - 14.3 chỉ có 2 ông Phong và Khang làm nhiệm vụ. Về nội dung, biên bản bà Phương ghi: “Tại thời điểm kiểm tra, khu nhập lợn, khu nuôi nhốt bẩn, không dọn vệ sinh; nước trong chảo nhúng không thay, mùi hôi thối; trên bệ đựng thịt dọn vệ sinh nhưng chưa được sạch sẽ (...) Yêu cầu công ty thực hiện vệ sinh cơ giới hằng ngày tại khu giết mổ”. Thực tế, trong biên bản nhật trình của lò mổ ngày hôm đó có chữ ký của ông Phan Xuân Phong thì hoàn toàn ngược lại: “Lò hoạt động bình thường, vệ sinh sạch sẽ”.
Ở biên bản thứ 2 (ngày 24.3) thành phần tương tự và không có chữ ký của ông Dương. Sổ nhật trình của lò mổ có thời gian là 20 giờ 10 phút, nội dung “lò sạch sẽ, hoạt động bình thường”, bà Phương đã ký vào và ghi rõ: “Kiểm tra từ 19 giờ đến 20 giờ 10 phút”. Nhưng tại biên bản (nghi giả - PV) thì bà Phương lại ghi thời gian là “21 giờ 30 phút” và đề nghị: “Công ty vệ sinh sạch sẽ khu nuôi nhốt động vật chờ giết mổ”. Thực tế, tối 24.3, trong lò có 3 con lợn có triệu chứng nghi lở mồm long móng nhưng được bà Phương bỏ qua.
Sau khi nhận tin, PV Thanh Niên đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và có mặt tại lò mổ sau đó ít phút. Đại diện Chi cục CN-TY Quảng Bình cũng đến sau đó. Trước sự chứng kiến của các bên, cán bộ Trạm CN-TY Đồng Hới kiểm tra lại các con lợn biểu hiện bệnh thì có 2 con thân nhiệt 40 độ C và cho rằng “bình thường”. Phía Chi cục CN-TY cũng không kiểm tra lại và mọi người ra về, không có một biên bản nào. Đáng nói, chỉ sau một thời gian ngắn PV Thanh Niên xuất hiện tại lò mổ, có rất nhiều hộ giết mổ được huy động đến gây áp lực, chửi bới, đe dọa PV và chủ lò mổ ngay trước mặt các cán bộ Trạm CN-TY Đồng Hới nhưng họ hoàn toàn im lặng.
Chưa hết, 1 trong 3 hộ giết mổ mà bà Phương “cho” ký vào 2 biên bản trên là bà Mai Thị Phưởng đã có giấy xác nhận: sáng 3.4 (ngày Cục Thú y vào kiểm tra), bà Phương đã đưa cho bà Phưởng ký vào 2 biên bản không có nội dung; việc ký diễn ra tại chợ.
Kết luận, báo cáo sai sự thật
Trong một diễn biến khác, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ngày 30.3, Sở NN-PTNT Quảng Bình có báo cáo đến Thường trực Tỉnh ủy về việc xác minh, xử lý sau bài báo. Báo cáo có đoạn: “Đã nhiều lần kiểm tra, đề nghị Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương khắc phục những tồn tại để đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y nhưng đến nay công ty vẫn chưa khắc phục”. Tuy nhiên, nội dung trên đã vấp phải ý kiến phản đối nên ngày 4.4, Sở NN-PTNT tổ chức buổi làm việc để làm rõ. Tại cuộc làm việc, Chi cục CN-TY Quảng Bình thừa nhận kết luận trên trong báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy là “chủ quan, không đúng với biên bản kiểm tra nhà nước về môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường và các biên bản khác…”. Từ đó, Sở NN-PTNT có kết luận và thông báo ngày 5.4 về ý kiến của Giám đốc Sở - Phan Văn Khoa yêu cầu: Chi cục CN-TY có văn bản xin lỗi Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương về kết luận chủ quan, không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của công ty; Chi cục CN-TY tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong việc tham mưu văn bản thiếu trách nhiệm, không trung thực trong lĩnh vực kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.