MỜ NHẠT
Ở trận ra mắt CLB Hà Nội, HLV Lê Đức Tuấn không thể yên tâm khi cầu thủ của ông sút đến 16 lần nhưng chỉ có 3 lần bóng trúng khung thành (3 lần bị chặn, ra ngoài đến… 10 lần). Tiền đạo Joao Pedro Silva có 4 lần dứt điểm đều ra ngoài, chuyền bóng chính xác rất thấp (chỉ 50%) trước khi bị thay ra ở phút 80. Cầu thủ được định giá đến 22 tỉ đồng Augustine Chidi Kwem chỉ được sofascore chấm 6,8 điểm với 2 cú sút (1 trúng đích, 1 ra ngoài) trong 28 phút có mặt trên sân. Nhưng thông số này còn tốt hơn các ngoại binh của CLB Bình Định. Gabriel Morbeck (6,7 điểm) không có nổi cú sút nào trong 60 phút thi đấu (một phần vì chủ yếu đảm nhiệm vai trò phòng ngự từ xa). Alisson Farias còn tệ hơn, nhận số điểm 6,4 khi đá trọn 90 phút nhưng chỉ sút được 1 trái ra ngoài.
Sự thất vọng về ngoại binh cũng thấy rõ ở 2 trận hòa 0-0 trên sân Thống Nhất và sân Vinh, nơi các chân sút Erik Sorgea, Matheus Rocha (CLB TP.HCM), Pedro, Amarildo (CLB Thể Công Viettel), Olaha, Kuku (SLNA), Yuri, Werick (CLB Đà Nẵng) đều chơi mờ nhạt…
Chính điều này dẫn đến sự đóng góp còn hạn chế của các chân sút ngoại, với chỉ 5/11 bàn thắng của cả vòng 1 V-League 2024-2025.
Điểm lại, chỉ có Marciel (HAGL) tỏa sáng với cú đúp, Artur và Lucao cùng ghi bàn trong trận hòa 1-1 giữa CLB Hải Phòng và CLB Công an Hà Nội (CAHN) tại sân Lạch Tray. Trong hoàn cảnh đó, các CLB phải trông chờ vào sự tỏa sáng của các nội binh, như cú đúp của Tiến Linh giúp CLB Bình Dương thắng ngược 2-1 tại Thanh Hóa, Văn Quyết với cú sút hiểm hóc giúp HLV Lê Đức Tuấn có 3 điểm trọn vẹn trong ngày ra mắt. Hay trung vệ Việt kiều Adou Minh đánh dấu ngày trở về quê hương bằng cú đánh đầu giúp CLB Hà Tĩnh bất ngờ quật ngã CLB Nam Định 1-0.
MAY RỦI TÌm ngoại binh
CLB Nam Định đã vô địch V-League 2023-2024 bằng phong độ hủy diệt, trong đó bộ đôi Rafaelson - Hendrio đóng góp đến 41 bàn thắng, hơn 9/13 số đội V-League khác. Khi Rafaelson vắng mặt chờ hoàn tất thủ tục trở thành nội binh (tên VN là Nguyễn Xuân Son), hàng công CLB Nam Định lập tức "xuống sắc", trắng tay rời Hà Tĩnh. Điều này cho thấy họ quá phụ thuộc vào Xuân Son dù đăng ký đến 6 cầu thủ ngoại (AFC Champions League không giới hạn ngoại binh - PV). Không phải vô cớ mà đội trưởng CLB Hà Nội Văn Quyết đã nói thẳng: "Tôi chưa đánh giá cao các cầu thủ ngoại, không chỉ của CLB Hà Nội. Tôi thấy nhiều ngoại binh ở V-League chưa đảm bảo chất lượng để nâng tầm bóng đá VN. Tôi mong rằng các đội bóng sẽ bổ sung ngoại binh tốt để cầu thủ nội chúng tôi được học hỏi, làm sao cho đội bóng tốt hơn, giải đấu tốt hơn cũng như đội tuyển VN sẽ mạnh hơn".
Không phải đợi đến khi Văn Quyết lên tiếng, chất lượng ngoại binh đã là vấn đề của V-League từ nhiều năm qua, đặc biệt khi VN bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp, và gần đây là đại dịch Covid-19. Sau giai đoạn hoàng kim những năm 2008 - 2012 thu hút nhiều ngoại binh hay nhất khu vực, tiềm lực kinh tế sụt giảm đã khiến các CLB VN lép vế hẳn so với những đội bóng ở Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Thẳng thắn mà nói, vài năm gần đây chất lượng ngoại binh V-League đã thoát "đáy", có cải thiện nhưng vẫn không thấy nhiều gương mặt có thể đem lại những cảm xúc bóng đá đặc biệt như Kesley, Philani, Leandro... ngày nào. Thực tế, có những đội bóng từng mạnh tay mua các ngoại binh có hồ sơ rất đẹp, như CLB Hà Nội, CAHN, Bình Dương… với mức lương trên dưới 20.000 USD/tháng (khoảng 500 triệu đồng), nhưng kết quả nhận được vẫn buồn nhiều hơn vui. Điều này khiến nhiều đội bóng có điều kiện tài chính trung bình vẫn trung thành với thói quen chờ cầu thủ Tây đến thử việc kiểu may nhờ rủi chịu, với mức lương 3.500 - 5.000 USD/tháng (khoảng 85 - 125 triệu đồng). Tiền nào của nấy, với mức lương này thì chất lượng ngoại binh V-League khó mà cao được.
Bình luận (0)