Ngày 30.3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội và các thành viên Liên minh nông nghiệp tổ chức hội thảo báo cáo nghiên cứu vai trò của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất giải pháp cải tổ.
Nghiên cứu của VEPR cho thấy, xung đột về lợi ích giữa chính quyền địa phương và VFA thể hiện rõ qua chính sách thu mua tạm trữ thóc gạo khi VFA nắm quyền phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo theo hợp đồng liên Chính phủ (G2G), nhưng trách nhiệm thu mua và tạm trữ lại giao cho doanh nghiệp (DN) và địa phương. Như vậy, DN và địa phương không chủ động đầu ra, chịu toàn bộ rủi ro của quá trình thu mua - tạm trữ, gánh nặng trách nhiệm xã hội đối với sinh kế của nông dân, nhưng lợi ích và lợi thế về kinh tế, về thị trường lại nằm trong tay VFA.
VEPR cũng chỉ rõ, sự nổi lên của thị trường Trung Quốc khiến quyền lực của VFA trên thị trường trở nên yếu thế hơn trước và khối DN tư nhân trong ngành gạo phát triển mạnh hơn DN nhà nước. Trong số 22 DN VN được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu gạo thì có 18 DN tư nhân, 4 DN còn lại là các công ty con sản xuất gạo chất lượng cao của Vinafood 1 và Vinafood 2.
Ngay trong cộng đồng DN gạo cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về vai trò của VFA đối với việc xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng từ năm 2012 - 2017, vị thế gạo VN trên thế giới đã suy yếu khi thị phần giảm từ 20% xuống còn 12%. Dù có nguyên nhân lúa gạo không còn là ngành hàng được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xuất khẩu, nếu VFA chú trọng xuất khẩu gạo chất lượng cao thì phải quay lại xây dựng chuỗi khép kín, cùng các DN hội viên xây dựng thương hiệu gạo. Trong thực tế, hoạt động của VFA chưa chạm được đến mục tiêu này.
VEPR đề xuất, để cải tổ VFA, Chính phủ cần thay thế chính sách thu mua, tạm trữ lúa gạo trước đây bằng kỷ luật xuất khẩu gắn với các điều khoản ưu đãi tín dụng vào chính sách hỗ trợ liên kết ngang, liên kết dọc trong chuỗi giá trị lúa gạo. Chính phủ có thể phân giao các dịch vụ công theo nhu cầu của DN như: theo dõi thông tin thị trường, cập nhật các xu hướng mới và cảnh báo sớm trong các vấn đề sản xuất, kinh doanh lúa gạo trên thị trường quốc tế trong bối cảnh các thị trường đều tăng cường các rào cản phi thuế đối với hàng hóa nông sản, hỗ trợ Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT trong hoạt động xây dựng thương hiệu gạo dựa trên các phản hồi đóng góp từ cộng đồng DN.
Theo thông tin từ ban tổ chức, hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN trong ngành gạo nhưng phía VFA không có đại diện tham gia dù đã được mời. Những kiến nghị tại hội thảo sẽ được tập hợp để gửi đến VFA.
Bình luận (0)