Cận cảnh hạ giải điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực của vương triều Nguyễn ở Huế

15/04/2022 17:28 GMT+7

Các đơn vị thi công đang hạ giải điện Thái Hòa trong Đại nội Huế, ngôi điện tồn tại hơn 200 năm và mang tính biểu tượng của vương triều nhà Nguyễn, để tiến hành trùng tu.

Những ngày này, các đơn vị thi công đang tiến hành hạ giải điện Thái Hòa (Đại nội Huế) để trùng tu.

Điện Thái Hòa nhìn từ sau ra trước, trước khi hạ giải

BNL

Các con giống trên bờ nóc bằng kỹ thuật khảm sành sứ được hạ giải

Bùi Ngọc Long

Hạng mục tháo dỡ đầu tiên là phần mái ngói, tiếp theo là các con giống trên bờ nóc, sau đó là các kết cấu gỗ...

Phần mái ngói ngôi điện đã được tháo dỡ

BNL

Hệ khung gỗ sau khi hạ giải phần mái ngói

BNL

Cán bộ kỹ thuật đang ghi chép, đánh số các cấu kiện trước khi hạ giải

BNL

Cận cảnh một điểm kết nối của cấu kiện gỗ đã bị nứt

BNL

Tất cả các cấu kiện, vật liệu sau khi tháo dỡ đều được đánh dấu, phân loại và đưa vào bảo quản để tái sử dụng. Chỉ những cấu kiện gỗ, ngói bị hư hỏng, mục ruỗng, vỡ... không thể sử dụng mới được thay thế bằng các sản phẩm phục chế cùng loại.

Bên cạnh việc tháo dỡ, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đồng thời tiến hành scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập được từ bề mặt của công trình; sử dụng thiết bị drone để bay quét các kiến trúc bên trên, số hóa toàn bộ hình ảnh 3D điện Thái Hòa bằng hình ảnh chân thực để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết việc hạ giải phải đặc biệt lưu ý ở ít nhất 2 điểm. Thứ nhất, khảo sát thật kỹ càng để chọn giải pháp hạ giải các bộ phận của công trình, đảm bảo không hư hại. Thứ hai, chuẩn bị kho bảo quản chu đáo để bảo vệ các cấu kiện gỗ, họa tiết trang trí và hạ giải phải gắn liền với đánh giá và bảo quản.

Cần đặc biệt cẩn trọng

Trước đó, ngày 8.4.2021, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản thỏa thuận về dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa (cố đô Huế), trong đó có việc đồng ý hạ giải toàn bộ để trùng tu.

Hình ảnh 3D điện Thái Hòa được scan để lưu trữ

Tuy nhiên, văn bản thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL cũng đặc biệt lưu ý, đối với bộ khung gỗ phải bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ; thực hiện biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần, chỉ thay thế (hạn chế) đối với các cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn... Trong đó, lưu ý phải “hết sức thận trọng” khi bảo quản, tu bổ các mảng trang trí chạm khắc có các hoa văn, chữ viết (giữ nguyên vẹn các chi tiết này cả về màu sắc và hình dáng)...

Các cấu kiện gỗ sau khi hạ giải đang được vận chuyển vào vào quản

BNL

Bộ VH-TT-DL cũng đề cập nội dung liên quan đến sơn son thếp vàng, ngói, về bờ mái và con giống khảm sành sứ, hệ thống trang trí pháp lam và tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán, đồ nội thất…

Văn bản của Bộ VH-TT-DL (do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký) cũng đặc biệt lưu ý, dự án tiếp tục sưu tầm tư liệu để bổ sung cơ sở khoa học cho việc phục hồi nền lát gạch hoa tại hai gian đầu hồi. Các chi tiết trang trí đắp vẽ trên mái được yêu cầu giữ gìn tối đa nguyên vẹn và có giải pháp phục chế nguyên màu sắc của các thành phần trang trí; bảo tồn tối đa các cột, mái phía sau điện...

Điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Vì vậy, việc hạ giải điện Thái Hòa để trùng tu không chỉ được các nhà chuyên môn khuyến cáo cần đặc biệt thận trọng mà còn đang được dư luận quan tâm.

Một cấu kiện gỗ còn tốt được bao bọc khung giá để bảo quản tại ngay vị trí cũ

BNL

Bảo tồn những giá trị kiến trúc, văn hóa độc đáo

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng công trình điện Thái Hòa vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu dưới các triều vua Nguyễn nhưng đến hiện nay điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài giá trị mang tính biểu tượng của triều đình nhà Nguyễn, công trình kiến trúc điện Thái Hòa còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.