Cận cảnh kho mộc bản cổ xưa của Phật giáo xứ Huế

09/09/2022 21:17 GMT+7

Kho mộc bản với nhiều bản khắc cổ xưa nhất của Phật giáo xứ Huế đã được sưu tập và trưng bày ở Trung tâm lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Chiều 9.9, tại cơ sở 1 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (số 109 Minh Mạng, P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã công bố quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Huế, trong đó có kho mộc bản Phật giáo lớn nhất xứ Huế.

Lãnh đạo tỉnh cùng chư tôn đức giáo phẩm tham quan không gian trưng bày lưu trữ kho mộc bản Phật giáo lớn nhất xứ Huế

BNL

Trung tâm là nơi sưu tập, lưu trữ các văn liệu, trước tác, kinh sách, pháp tượng, pháp khí, mộc bản, tư liệu ghi âm, ghi hình, tư liệu số hóa… Phật giáo để phục vụ nghiên cứu Phật học nói chung và văn hóa Huế nói riêng.

Chư tăng vào xem không gian trưng bày kho mộc bản Phật giáo lớn nhất xứ Huế được lưu trữ và trưng bày

BNL

Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, đến nay trung tâm đã sưu tập được kho mộc bản lớn nhất của Phật giáo xứ Huế vốn được lưu trữ tại chùa Từ Đàm trước đây với số lượng lên đến 828 bản khắc gỗ (1.319 mặt khắc), cùng với các bộ sưu tập mộc bản các tổ đình và cổ tự danh tiếng xứ Huế như chùa Kỳ Viên, Đức Sơn, Thiền Lâm, Viên Thông, Thuyền Tôn, Báo Quốc, bảo Lâm, Ba La Mật.

Đây là kho mộc bản đa chủng loại, gồm: kinh, luật, luận, trước tác, phái điệp quy y, tranh đồ họa cổ.

Đặc biệt, trung tâm cũng đã sưu tập được bộ mộc bản Kim Cang bát nhã ba la mật đa tâm kinh, có niên đại năm Chính Hòa thứ 19 (1698) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đây là bộ ván khắc có niên đại cổ nhất của Phật giáo xứ Huế và miền Trung được tìm thấy đến thời điểm hiện nay.

Các đại biểu xem bộ mộc bản Kim Cang bát nhã ba la mật đa tâm kinh, có niên đại năm Chính Hòa thứ 19 (1698) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu

BNL

Bản khắc gỗ tranh tượng Phật giáo cổ xưa xứ Huế

BNL

Một bản khắc gỗ kinh sách Phật giáo

BNL

Bên cạnh phòng lưu trữ mộc bản, còn có các phòng lưu trữ thư viện gia đình và tủ sách gia đình của các phật tử là nhà nghiên cứu, sưu tập tại Huế hiến tặng. Trong đó, gia đình cố phật tử Tâm Đại, Lê Văn Dũng hiến tặng toàn bộ tủ sách gia đình Thuận - Dũng cùng toàn bộ tư liệu ghi âm Phật giáo Huế trên hệ thống đĩa Akai trước năm 1975 của nhà thu băng Hoa Đàm, Huế.

Đây là hệ thống tư liệu ghi âm Phật giáo Huế trên 4 nội dung: sự kiện Phật giáo, thuyết giảng, tụng kinh sám bái của các cao tăng và âm nhạc Phật giáo, bao gồm tân nhạc và lễ nhạc truyền thống.

Chư tăng cùng các nhà nghiên cứu tham quan không gian lưu trữ kho mộc bản Phật giáo xứ Huế

BNL

Đây là trung tâm lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo quy mô và bài bản nhất từ trước đến nay được thành lập, nhằm lưu trữ tiệm cận theo tiêu chuẩn của một thư viện quốc gia. Bao gồm các phòng lưu trữ với kho mộc bản, phòng lưu trữ thư viện và tủ sách gia đình cùng các phòng lưu trữ văn liệu, tranh, tượng, pháp khí, tư liệu âm thành, hình ảnh, tư liệu số hóa... phục vụ tra cứu, nghiên cứu cho tăng ni phật tử, giới nghiên cứu, học thuật trong nước và quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.