Cận cảnh ngôi chùa cổ gần 200 tuổi ở Sài Gòn thay “áo mới” đón tết

02/02/2018 13:40 GMT+7

Sáng 2.2, UBND TP.HCM, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM đã làm lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình trùng tu – tôn tạo chùa Giác Viên (Q.11, TP.HCM) với kinh phí hơn 51 tỉ đồng, để chuẩn bị đón tết.

Lãnh đạo TP.HCM và địa phương cắt băng khánh thành ẢNH: QUỲNH TRÂN
Đến dự có bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo Sở VH-TT và chính quyền địa phương.
Theo tài liệu của Sở VH – TT TP.HCM: “Chùa Giác Viên là một trong số ít những ngôi chùa cổ xưa nhất của Sài Gòn. Năm 1798, khi tiến hành trùng tu chùa Giác Lâm, toàn bộ số gỗ được tập kết về bến Hố Đất. Người phụ trách nhang đèn chùa Giác Lâm đã dựng một am thờ Quan Âm tại bến gỗ nên khi chùa được khánh thành, năm 1850 từ những phần vật liệu còn lại, hòa thượng Hải Tịnh đã cho xây dựng chùa Giác Viên trên phần nền Quan Âm các và trở thành một trung tâm ứng phú của vùng đất Gia Định, nơi in ấn trùng khắc kinh sách Phật giáo trên bản gỗ rất độc đáo”.
Trải qua rất nhiều lần trùng tu vào những năm 1899 -1902, 1908 -1910, chùa vẫn giữ được những nét xưa với bộ khung cột gỗ, kèo gỗ, mái lợp ngói âm dương cổ kính. Toàn bộ khuôn viên diện tích gần 20 ngàn m2, theo bình đồ hình chữ Trung, chùa gồm kiến trúc chánh điện, nhà tổ, nhà giảng, đông lang và tây lang có tỉ lệ hài hòa, đẹp mắt. Chùa Giác Viên hiện đã có các đời trụ trì: Minh Vi, Minh Khiêm, Như Nhu, Như Phòng, Hồng Dung, Hồng Từ, Thiện Phú và hiện quản tự chùa là Thầy Thích Huệ Thanh. Điểm đặc biệt thu hút đến tham quan chùa là ở nghệ thuật điêu khắc tượng tròn và chạm khắc gỗ. Chùa đang có 153 tượng bằng gỗ đường nét mềm mại, mang nhiều sắc thái và mức độ biểu cảm khác nhau. Các câu đối chạm chìm vào thân cột trên 60 bức bao lam trang trí khắp nơi trong chùa hết sức giá trị. Đạt đến giá trị nghệ thuật cao nhất là hai bao lam cửa với đề tài Thập bát La hán thượng kỳ thú (18 vị La Hán ngồi trên các con vật linh thiêng), còn lại những bao lam khám thờ được chạm trổ tinh xảo: Võ Tòng đả hổ, Ngư ông đắc lợi, Tô Vũ chăn dê, Lã Vọng câu cá… trong đó bao lam “bá điểu” được xem là mẫu mực điển hình nhiều mặt cho nghệ thuật chạm lộng gỗ ở TP.HCM.
Tuy nhiên, chùa Giác Viên theo thời gian dưới tác động của tự nhiên và môi trường xã hội, di tích cấp quốc gia đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là vào mùa mưa, nước ngập lâu ngày càng khiến cho hệ thống nền móng sụp lút, đe dọa đến tuổi thọ ngôi chùa. Sau thời gian thi công khẩn trương từ tháng 9.2017 đến nay công trình đã hoàn thiện giai đoạn 1, gồm các hạng mục: Đông Lang, Tây Lang, Nhà Trù, Nhà Mát, các nhà nối, nhà vệ sinh và hạ tầng kỹ thuật, cây xanh thoáng mát…Tất cả đều hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật, các yếu tố cấu thành di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Thanh Niên xin giới thiệu một số hình ảnh các hạng mục của ngôi chùa cổ Giác Viên gần 200 tuồi vừa được trùng tu xong giai đoạn 1 và khánh thành tại TP.HCM:
Các hạng mục đều khang trang thay thế những khu nhà cũ nát trước đây
Khuôn viên chùa thoáng đãng với cây xanh
Nét cổ kính, trang nghiêm
Sau khi trùng tu, chùa Giác Viên sẽ là điểm đến du lịch của khách thập phương ẢNH: QUỲNH TRÂN


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.