Cận cảnh ranh giới ngày và đêm tối vĩnh cửu của sao Thủy

12/01/2025 10:52 GMT+7

Tàu vũ trụ kép BepiColombo do châu Âu và Nhật Bản liên danh phát triển và vận hành đã truyền về những hình ảnh chụp khoảng cách gần với hành tinh trong cùng của hệ mặt trời là sao Thủy.

Cận cảnh ranh giới ngày và đêm tối vĩnh cửu của sao Thủy- Ảnh 1.

Cực Bắc của sao Thủy nhìn từ thiết bị M-CAM 1 của tàu BepiColombo

ảnh: ESA

Trong lần bay ngang thứ 6 vào cuối cùng của sứ mệnh vào ngày 7.1, BepiColombo, gồm 2 tàu vũ trụ liền nhau, đã chụp được những hình ảnh cận cảnh các hõm chảo trước nay vẫn nằm ẩn mình trên bề mặt sao Thủy.

Sứ mệnh BepiColombo được phóng vào tháng 10.2018 là dự án hợp tác giữa Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), với mỗi tổ chức cung cấp tàu riêng để thám hiểm sao Thủy.

Trong đợt bay ngang gần nhất, tàu vũ trụ kép bay cách bề mặt sao Thủy khoảng 295 km, theo Gizmodo hôm 11.1 dẫn thông tin từ ESA.

Từ khoảng cách này, BepiColombo chụp được những hình ảnh về bề mặt đầy hõm chảo của sao Thủy, bắt đầu từ phần đêm tối lạnh giá vĩnh cửu gần cực bắc trước khi chuyển sang khu vực phía bắc tràn ngập ánh nắng.

Cận cảnh ranh giới ngày và đêm tối vĩnh cửu của sao Thủy- Ảnh 2.

Bức ảnh cho thấy ranh giới ngày và đêm tối vĩnh cửu của sao Thủy

ảnh: ESA

Sử dụng thiết bị camera M-CAM 1, tàu BepiColombo ghi hình cận cảnh vùng ranh giới tách biệt ngày và đêm trên sao Thủy. Trong hình ảnh trên, vành của các hõm chảo Prokofiev, Kandinsky, Tolkien và Gordimer có thể được nhìn thấy xuất hiện rải rác khắp bề mặt sao Thủy, tạo ra những bóng râm vĩnh viễn có thể cho phép xuất hiện các túi nước đóng băng.

Trên thực tế, một trong những mục tiêu chủ yếu của sứ mệnh BepiColombo là nhằm xác định liệu sao Thủy chứa nước bên trong các bóng râm hay không bất chấp khoảng cách quá gần với mặt trời.

Đến nay, giới khoa học vẫn chưa rõ cấu tạo của sao Thủy, nhưng vật liệu được đẩy từ dưới lòng đất lên bề mặt có xu hướng sậm màu hơn theo thời gian.

BepiColombo là tàu vũ trụ thứ ba từng được con người triển khai đến sao Thủy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.