Cận cảnh 'siêu' cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam lắp xong 11 cửa van 'khổng lồ'

17/06/2021 12:39 GMT+7

'Siêu' công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam với vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng vừa lắp xong cửa van 'khổng lồ' cuối cùng nặng 203 tấn. Khoảng 2 tuần nữa công trình này sẽ chính thức vận hành.

Sớm tiến độ nhờ… dịch Covid-19

Trưa 17.6, tại công trình cống thủy lợi Cái Lớn có quy mô lớn nhất Việt Nam, Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Ban 10), thuộc Bộ (NN-PTNT), cùng Công ty CP Lilama 10 và các đơn vị liên quan đã tiến hành lắp đặt cửa van cuối cùng trong tổng số 11 cửa van “khổng lồ” tại công trình cống Cái Lớn.

Cận cảnh lắp cánh cửa nước khổng lồ tại cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam

Công trình trên là hợp phần chính của “siêu” dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (trên địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành, Kiên Giang). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng do Ban 10 làm chủ đầu tư. Trước đó, hồi giữa tháng 3.2021, công trình trên đã tiến hành lắp cửa van đầu tiên.

Tiến độ công trình được rút ngắn còn 24 tháng

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng do Ban 10 làm chủ đầu tư

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Theo chủ đầu tư, cửa van vừa lắp đặt có khẩu độ 40 m x 9 m, nặng 203 tấn. Tổng cộng cống Cái Lớn gồm có 11 cửa van; trong đó có 8 cửa van có khẩu độ 4 0m x 9 m, nặng 203 tấn; 2 cửa van khẩu độ 40 m x7,5 m, nặng 188 tấn; 1 cửa van khẩu độ 40m x 6,0 m, nặng 155 tấn.
Chính vì kích thước khổng lồ của các cửa van nên khâu lắp đặt rất khó khăn, phức tạp khi thực hiện giữa sông, chịu áp lực lớn của dòng chảy và gió thổi... Riêng việc cố định thiết bị, cẩu cửa, di chuyển cửa vào khoang cống đã mất 2 - 3 ngày mới hoàn thành để thể lắp đặt chính thức.
Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban 10 (Bộ NN-PTNT) cho biết, công trình thi công trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên cũng nhờ việc công nhân phải hạn chế đi lại, việc thi công được tập trung cao độ hơn và tiến độ công trình được rút ngắn đáng kể.

Vì các cửa van có kích thước khổng lồ nên khâu lắp đặt rất khó khăn, phức tạp khi thực hiện giữa sông, chịu áp lực lớn của dòng chảy và gió thổi...

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Tiến độ công trình được rút ngắn từ 36 tháng xuống còn 24 tháng

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

“Thông thường một công trình tương tự phải mất ít nhất 36 tháng, nhưng trước nhu cầu cấp thiết trong phòng chống hạn mặn nên chúng tôi đã cố gắng kéo xuống còn 24 tháng. Đặc biệt chính nhờ tập trung thi công giữa dịch Covid-19 nên tiến độ tiếp tục được đẩy nhanh và đến nay có thể nói là sớm hơn 1 mùa khô (khoảng 4 tháng)”, ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, một khó khăn là từ đầu năm 2021 đến nay giá nguyên vật liệu tăng rất lớn, nhưng ở công trình này các nhà thầu đã rất chủ động, có ảnh hưởng nhưng không làm ảnh hưởng đến tiến độ.

'Siêu' công trình thủy lợi chưa từng có

Như Thanh Niên đã thông tin, dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được khởi công từ tháng 10.2019 với tổng mức đầu tư có dự án hơn 3.309 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Đây là công trình thủy lợi được xem lớn nhất Việt Nam về quy mô, khẩu độ thông nước; được xây dựng trên dòng sông Cái Lớn, công trình do người Việt Nam thiết kế, thi công và quản lý.
Trước đó, đầu tháng 2, một hợp phần là cống Cái Bé đã được đưa vào vận hành sớm hơn dự kiến để kiểm soát mặn mùa khô 2020-2021 cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất của 2 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang. Hiện tại, toàn bộ các hạng mục ở công trình cống Cái Bé đã cơ bản hoàn thành.

Công nhân phải hạn chế đi lại để phòng dịch, việc thi công được tập trung cao độ hơn và tiến độ công trình được rút ngắn đáng kể

Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Riêng cống Cái Lớn, sau khi lắp đặt xong 11 cửa van, công trình cũng xem như hoàn thành hơn 90% khối lượng. Theo ông Lê Hồng Linh, trong 2 tuần nữa, cống Cái Lớn đã có thể vận hành đóng mở theo yêu cầu phục vụ sản xuất.
“Tiếp theo là làm sao vận hành cho hiệu quả, không tác động quá lớn đến môi trường, vận hành hiệu quả nhất cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cống sẽ thực sự phát huy vào mùa khô tức từ tháng 12 tới tháng 5 của năm sau”, ông Linh nói.
Theo Bộ NN-PTNT, sau khi hoàn thành, dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.
Bên cạnh đó, kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên). Ngoài ra, còn kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng...
Một số hình ảnh PV Thanh Niên ghi lại trưa nay:

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được khởi công từ tháng 10.2019 với tổng mức đầu tư có dự án hơn 3.309 tỉ đồng

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2021

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Đây là công trình thủy lợi được xem lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trên dòng sông Cái Lớn

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Công trình do người Việt Nam thiết kế, thi công và quản lý

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Việc cố định thiết bị, cẩu cửa, di chuyển cửa vào khoang cống đã mất 2 - 3 ngày mới hoàn thành để thể lắp đặt chính thức.

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

"Chính nhờ tập trung thi công giữa dịch Covid-19 nên tiến độ tiếp tục được đẩy nhanh và đến nay có thể nói là sớm hơn 1 mùa khô (khoảng 4 tháng)”, ông Linh cho biết

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Theo ông Lê Hồng Linh, trong 2 tuần nữa, cống Cái Lớn đã có thể vận hành đóng mở theo yêu cầu phục vụ sản xuất

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.