Tổng thống Bukele cho biết siêu nhà tù có tên chính thức là "Trung tâm Giam giữ Khủng bố", với sức chứa 40.000 tù nhân.
Kể từ tháng 3 đến cuối năm 2022, cảnh sát và quân đội đã bắt giữ hơn 62.000 kẻ tình nghi thuộc các băng nhóm tội phạm. Điều này do Tổng thống Bukele đề nghị quốc hội thông qua quyết định loại trừ một số quyền công dân theo hiến pháp, bao gồm cho phép bắt giữ mà không cần có giấy phép và chính phủ có quyền tiếp cận nội dung chẳng hạn như tin nhắn của người dân.
Với gần 2% dân số trưởng thành đang thụ án, El Salvador hiện có tỷ lệ tù nhân cao nhất thế giới.
Số tù nhân gia tăng là kết quả của những biện pháp chống bạo lực băng nhóm, từ đó gây sức ép nặng nề cho hệ thống nhà tù của nước này.
“Siêu nhà tù” nhận hàng nghìn người trong cuộc chiến chống băng đảng El Salvador
La Esperanza, nhà tù lớn nhất El Salvador trước khi khai trương siêu nhà tù ở Tecoluca, hiện giam giữ 33.000 người bất chấp sức chứa ban đầu là 10.000 người.
Trong đợt chuyển tù nhân tuần qua, 2.000 phạm nhân là thành viên băng nhóm đã được đưa vào cơ sở mới, theo Reuters hôm 24.2.
Tình hình tội phạm ở El Salvador
Tại El Salvador, tình hình băng nhóm tội phạm đang diễn ra phức tạp, với sự cạnh tranh địa bàn của băng MS-13 và băng nhóm đối thủ Barrio 18. Cả hai đều là những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, bắt nguồn từ Mỹ. Những kẻ đứng đầu là dân tị nạn tháo chạy khỏi El Salvador trong giai đoạn nội chiến bùng nổ ở nước này và đến tị nạn ở Los Angeles (bang California) vào thập niên 1980.
Sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton ký thông qua một loạt các luật mới nhằm mở rộng những hành vi phạm tội có thể bị trục xuất, hàng chục ngàn người El Salvador bị Mỹ trục xuất và quay về nước thành lập các băng nhóm tội phạm.
Trong thập niên 2000, chính phủ El Salvador triển khai nhiều biện pháp trấn áp làn sóng tội phạm và bỏ tù các thành viên băng nhóm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách làm này đã phản tác dụng vì tạo điều kiện biến các nhà tù đông đúc phạm nhân thành những nơi tuyển mộ và huấn luyện tội phạm có tổ chức.
Các vụ giết người có liên quan đến băng nhóm vì thế tiếp tục gia tăng.
Tình trạng được cải thiện dưới thời Tổng thống Mauricio Funes sau khi ông đạt được thỏa thuận đình chiến giữa các băng nhóm. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị phá vỡ năm 2014, và đến năm 2015, El Salvador trở thành quốc gia chết chóc của khu vực Tây Bán Cầu, với 105 vụ giết người cho mỗi 100.000 dân.
Khi lên nắm quyền năm 2019, Tổng thống Bukele quyết định áp dụng chiến thuật như thời người tiền nhiệm Funes, có nghĩa là tìm cách đàm phán với thủ lĩnh các băng nhóm. Thế nhưng, làn sóng chết chóc bất ngờ gia tăng vào tháng 3.2022, mà theo giới chuyên gia là dấu hiệu cho thấy nỗ lực này một lần nữa bị phá vỡ, theo báo The New York Times.
Tình hình diễn biến phức tạp buộc Tổng thống Bukele thuyết phục thông qua các điều khoản miễn trừ một số quyền công dân với mục tiêu truy quét tội phạm, dẫn đến số tù nhân tăng mạnh.
Bình luận (0)