Cận cảnh xem một gia đình người Hoa làm bánh 'cầu duyên' chỉ bán dịp tết

08/02/2021 07:00 GMT+7

Hàng năm, từ 20 tháng chạp, người Hoa ở Q.5 lại mang bột gạo, đậu, cốm… ra để làm một thứ bánh tròn trịa, có nở bông hoa ở đầu, mang ý nghĩa tốt đẹp cho cả gia đình, đặc biệt là tình duyên. Cùng vào một gia đình người Hoa xem cách họ làm loại bánh đẹp mắt này nhé.

Từ những ngày 20-21 tháng chạp, các khu phố người Hoa ở quận 5, quận 6, quận 11... TP.HCM rục rịch chuẩn bị các mặt hàng, món ăn truyền thống để bày bán dịp tết. Trên đường Phùng Hưng, Nguyễn Trãi, góc ngã tư chợ Phùng Hưng nhiều năm nay nổi tiếng với các hàng quán của người Hoa đầy màu sắc và lạ mắt. Trong đó phải kể đến món bánh mà không phải ai cũng biết, có nguồn gốc từ Quảng Châu đó là bánh lựu "cầu duyên", chỉ làm vào dịp tết cổ truyền.Trên đoạn đường Phùng Hưng đổ về ngã tư chợ, chỉ có khoảng 3-4 hàng bán món bánh này, thâm niên đều trên 30 năm.

Có 4 tiệm làm bánh trái lựu của người Hoa trên đường Nguyễn Trãi, P.14, Q.5

Lê Nam

Hầu hết các quầy bán bánh đều là con cháu, họ hàng trong một gia đình, mọi người giao tiếp với nhau bằng tiếng Hoa và trò chuyện với khách Sài Gòn bằng tiếng Việt.

Đó là gia đình của chú Thành Long, 57 tuổi, nhà ở Q.5, TP.HCM có hơn 30 năm làm loại bánh này

Lê Nam

Tôi may mắn có cơ hội được gặp một gia đình người Hoa với 5 thành viên, là một trong những nhà đã dựng rạp, bàn ghế và chuẩn bị nặn bánh trái lựu sớm nhất khu phố.

Cận cảnh chiếc bánh trái lựu cầu duyên, người làm bánh đang tạo hình cánh hoa

Lê Nam

Đó là gia đình của chú Thành Long,  57 tuổi, nhà ở Q.5, TP.HCM. Ngày thường, ông Long mở một quán phở đến mưu sinh, nhưng cứ đến 20 âm lịch hàng năm, 3 anh em ông và một người bà con lại chung tay nhào bột, nặn bánh để duy trì nét văn hóa truyền thống.

Ông Long cho biết phải sử dụng tay không để làm bánh, còn nếu xài bao tay thì bột bánh sẽ ăn vào bao tay, rất khó nặn bánh. Trước khi làm phải vệ sinh tay thật kĩ.

Lê Nam

Bánh trái lựu là loại hình to tròn, có hình bầu dục, phía trên có bông hoa đỏ chúm chím như trái lựu. Bánh được làm từ các loại bột gạo, nhiều nơi pha thêm bột mì cùng mạch nha, phía ngoài phủ mè. Nhân bánh vị ngọt, được làm từ các loại đậu phộng rang đã tách đôi, hạt sen, thêm cốm làm từ nếp và mạch nha. Nhân đặt trong miếng bột mỏng, to gần bằng bàn tay. Người làm phải nắn sao cho bánh thành hình bầu dục, tròn đều.

Anh trai ông Long đảm nhận khâu chiên bánh

Lê Nam

Người cao tuổi tại khu chợ cho hay, bánh trái lựu thường được cúng ông Táo hoặc đêm giao thừa. Nhiều người cũng mua bánh để trưng trong nhà cho đến hết tết. Theo quan niệm xưa, bánh sẽ mang điều tốt đẹp cho cả gia đình, đặc biệt là tình duyên.

Ông Thành Long – Chủ hàng bánh nói: "Một ngày làm 3 chảo, 40 cái/ chảo, 3 chảo cũng là 120 cái. Cái này trong tết mới có người làm, ra tết không ai làm hết. 

Nồi bánh phải sử dụng lửa to, chiên trong 20 phút thì lật bánh

Lê Nam

Tôi từng coi hình ảnh người hoa làm bánh cầu duyên bằng tay không trên mạng, mặc dù khi chiên lên thì chiếc bánh nào cũng đẹp, và mặc dù biết là thức quà đường phố nhưng lòng vẫn có chút bịn rịn tự hỏi: "Sao không đeo bao tay vào cho vệ sinh?".

Những chiếc bánh đầu tiên chín vàng đều

Lê Nam

Một nồi bánh có khoảng 40 chiếc

Lê Nam

Đem thắc mắc này tới hỏi chú Long, chú hiểu vui vẻ giải thích: "Mình chỉ có rửa sạch tay thì được, sạch sẽ thôi. Dùng bao bột sẽ dính vào bao tay làm sao làm được.Mình phải vệ sinh cái tay sạch sẽ rồi làm thôi".

Trên đầu bánh có quét một lớp màu đỏ, loại màu này là gì? Lúc ăn bánh có cần bỏ đi không... cũng đều là những điều tôi băn khoăn. "Bột màu, ăn được chứ, cái này người ta thường nấu bò kho này kia nọ...", chú Long nói.

Trong khi chờ bánh chín, gia đình lại tranh thủ làm một mẻ bánh khác với công đoạn đầu tiên là nặn bột...

Lê Nam

Chú Long tâm sự, làm bánh cực lắm, lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu nhưng mình không bỏ được, vì tết phải vậy mới vui. Cả nhà cùng xúm tay, quây quầy lám bánh mới có không khí tết. Tụi trẻ cứ than tết ngày càng nhạt, càng phai mờ nhưng có biết đâu, phải bắt tay vào làm những thứ nhỏ nhất như miếng bánh trái lựu giản dị, mộc mạc thì tết mới về.

Việc lật bánh không hề đơn giản khi phần thân bánh khá nặng, bánh trôi bồng bềnh trên lớp dầu, phải dùng hai chiếc đủa cả lật bánh thật khéo léo chứ không thể dùng vá hay muôi thủng lật để tránh rụng hoa bánh.

Lê Nam

Chú Long là con giữa, tức là trên chú có một người anh trai và dưới có một người em trai, nhưng chú như thủ lĩnh của cả tiệm bánh trái lựu. Chú phân phối bột cho mọi người, rồi nhanh tay làm hết phần bánh của mình; người phụ nữ duy nhất làm công việc nhẹ nhất là ngồi bọc nhân bánh, chú Quang là anh cả thì đảm nhận khâu chiên bánh. Sau khi nặn bánh xong thì cô cũng ngồi tô màu. Phía bên ngoài, một người cháu họ ngồi trông quầy hàng, bán các mặt hàng khác và đón khách. Xem một gia đình người Hoa làm bánh trái lựu mới thấy mức độ phối hợp nhuần nhuyễn, thuần thục của các thành viên Mỗi người một việc, không ai chèn ai, mỗi người là một mắt xích của cả quá trình làm ra chiếc bánh. 

Mẻ bánh chiên xong được để ráo dầu, nguội bánh mới bày bán

Lê Nam

Những chiếc bánh lựu chúm chím mỉm cười với người đi đường, bánh mua về có ý nghĩa đem lại may mắn cho gia đình, đặc biệt trong chuyện cầu duyên

Lê Nam

Một mẻ bánh như vậy được chiên trên dầu sôi khoảng 20 phút, sau đó lật lên cho chín đều rồi vớt ra để nguội. Bánh chín có màu vàng ươm, bông hoa đỏ thắm nhìn rất thu hút và bắt mắt. Làm đến đâu, bánh bán hết đến đó. Bánh lựu có vị ngọt, hơi béo. Đậu phộng, cốm và mạch nha được giữ ở bên trong nên rất thơm. Đối với người Hoa, bánh trái lựu bình dân, thường bán ở lề phố nhưng lại không thể thiếu trong mâm cúng năm mới. Ngày thường, bánh còn được nhiều người tự làm để cúng nhằm xin con. Mỗi kg bánh có giá từ 200.000 đồng. Bánh có nhiều kích cỡ khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Với những người sống ở Chợ Lớn, thấy bánh trái lựu trên đường phố cũng có là một dấu hiệu cho thấy tết đã về.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.