Sáng 29.8, tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về luật Nhà ở sửa đổi. Vấn đề phát triển nhà ở xã hội vẫn được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc phát triển nhà ở thời gian qua hướng đến quyền sở hữu nhà ở như là tài sản hơn là để ở - vốn là chức năng cơ bản của nhà.
Ông Hoàn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai, đồng thời nghiên cứu một số chính sách như: ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu, miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội…
"Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội và bán sau khi mua 5 năm thì giá trị tăng 2 đến 3 lần so với lúc mua", ông Hoàn nói và đề nghị giữ lại quy định khi bán lại nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường thì phải nộp tiền sử dụng đất.
Theo ông Hoàn, cần quy định chủ sở hữu nhà ở xã hội chỉ được chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu về ở và chỉ mở rộng đối tượng sau 5 năm kể từ khi mua.
Vẫn theo ông Hoàn, thách thức với thị trường nhà ở thời gian tới là tỷ lệ di cư từ nông thôn ra thành thị có thể tiếp tục tăng.
Do đó, trong chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ di cư, dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. "Cần xác định chúng ta sẽ xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp", ông Hoàn nói.
Trên quan điểm này, ông Hoàn tán thành đề xuất giao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Cùng đó, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội.
"Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu bốc thăm trúng thưởng trong thời gian vừa qua. Cùng đó là chính sách đồng bộ về giải quyết việc làm tại nông thôn để hạn chế tình trạng di dân về đô thị", đại biểu Hoàn nhấn mạnh.
Hỗ trợ cho người mua thay vì ưu đãi nhà đầu tư nhà ở xã hội
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cần bổ sung chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Dự thảo luật đang thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội theo hướng làm giảm chi phí đầu vào, đưa ra các ưu đãi với nhà đầu tư mà chưa tập trung vào việc tăng cầu - tức là hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng - như hỗ trợ tiền mua, tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, dài hạn. Khi số người có nhu cầu được hỗ trợ tăng, cầu mua sẽ tăng và thị trường sẽ thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội.
Với quan điểm này, ông Nghĩa cho rằng việc quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại hoặc đóng tiền là chưa phù hợp với quy luật thị trường, tạo gánh nặng cho chủ đầu tư, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội.
Ông Nghĩa cũng đề nghị giữ quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của công đoàn.
Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.
Trong giai đoạn trước mắt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. "Đối với việc đầu tư xây dựng nhà xã hội để bán, đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn và có thể thực hiện trong tương lai", ông Nghĩa nêu.
Bình luận (0)