Cần chính sách ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học

16/05/2024 08:38 GMT+7

Phát biểu tại lễ chào mừng Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận "trách nhiệm của mình" khi nói về thực trạng đầu tư kinh phí cho khoa học công nghệ quá ít ỏi.

Cân bằng hơn trong đầu tư cho khoa học công nghệ

Hôm qua 15.5, tại Hà Nội, Bộ KH-CN đã tổ chức lễ chào mừng ngày Khoa học công nghệ (KHCN) và kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH-CN. Phát biểu tại buổi lễ, sau khi biểu dương một số thành tựu mà ngành KHCN nước nhà đạt được những năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập một số hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức của nền KHCN.

Theo Thủ tướng, cơ chế, chính sách quản lý KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN. Kinh phí đầu tư cho KHCN còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng thẳng thắn chia sẻ: "Tôi thấy trách nhiệm của mình ở trong vấn đề này. Có lẽ phải có cách cân bằng hơn trong đầu tư cho KHCN trong những năm tới. Chúng ta là đất nước đang phát triển, cái gì cũng cần, nhưng phải xác định cái gì là ưu tiên".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam

TTXVN

Thủ tướng cũng lưu ý, chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định phát triển nguồn nhân lực gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Đây là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" trong thế giới ngày nay.

Nhà khoa học cần được coi trọng

Thủ tướng nhận định, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng, trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Đội ngũ các nhà khoa học, người làm KHCN còn chưa nhiều, chưa đồng đều; việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng.

Để khắc phục hạn chế, Thủ tướng yêu cầu các chính sách thu hút nhân tài phải chú ý tới cả 2 khía cạnh: tinh thần, vật chất. Ngoài ưu đãi về vật chất, nhà khoa học cần được tôn trọng, được coi trọng, được tạo điều kiện.

Khi đề cập các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành KHCN cần triển khai để đáp ứng nhiệm vụ chiến lược nêu trên, Thủ tướng nhiều lần nhắc đến việc xây dựng đội ngũ nhà khoa học và những người làm KHCN. Chúng ta cần phát triển mạnh nhân lực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công - tư tham gia đào tạo nhân lực KHCN.

Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KHCN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực. Trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KHCN và đổi mới sáng tạo, nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thủ tướng khẳng định, chúng ta cần có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KHCN tiên tiến, hội nhập thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.