Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xã đảo Thạnh An.
Đổi mới mô hình quản lý Cụ thể, triển khai xây dựng 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu và mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh; triển khai có hiệu quả dự án phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thạnh An trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và là xã đảo xanh, sạch, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trao đổi với Thanh Niên, TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), cho biết ý tưởng quy hoạch phát triển Cần Giờ thực ra đã có từ giai đoạn trước, với quy mô 600 ha và được thể hiện trong đồ án quy hoạch chung TP. Những nỗ lực phát triển về hướng mặt tiền Biển Đông, theo tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã được triển khai từ những ngày đầu hình thành Khu chế xuất Tân Thuận, phát triển khu đô thị Nam TP và khu đô thị cảng - khu công nghiệp Hiệp Phước.
Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới |
Ngọc dương |
Theo ông Tuấn, chương trình nông thôn mới là nỗ lực phát triển nông thôn bền bỉ và toàn diện, nhưng vẫn chưa xuất hiện những cú hích mạnh mẽ, để khơi thông nguồn lực tiềm ẩn của vùng đất giàu tài nguyên sinh thái và nhân văn này. Năm 2017, dự án phát triển khu đô thị 2.870 ha ra hướng biển được đề xuất, với sự phát triển đồng bộ và toàn diện của vùng Cần Giờ, bao gồm yêu cầu bảo tồn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn diện và xây dựng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng. Năm 2018, cuộc thi quốc tế về quy hoạch phát triển Cần Giờ được diễn ra. Ý tưởng quy hoạch của đơn vị tư vấn Nikken Sekkei đoạt giải đề xuất chiến lược phát triển Cần Giờ theo mô hình quản lý phát triển vùng không chỉ dừng lại ở chức năng quản lý hành chính mà còn thể hiện vai trò kiến tạo cơ chế phát triển.
Trong đó, nhà nước nắm giữ và điều phối nguồn lực công, tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực khác phát huy, cùng chủ động kiến tạo sự phát triển. Cùng với đó, khối tư nhân sẽ phát huy thế mạnh trong quản lý triển khai các dự án. Gần đây, nhiều mô hình kinh tế mới dựa trên thế mạnh về công nghệ hoặc thế mạnh đường biển được phát huy và có thể lồng ghép vào chiến lược phát triển vùng Cần Giờ.
“Những bài học thành công và thất bại từ các trường hợp của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Tây Bắc và khu đô thị Thủ Thiêm cho thấy cần có đổi mới, đột phá trong áp dụng mô hình quản lý phát triển cho vùng Cần Giờ, đồng thời nhạy bén nắm bắt những cơ hội cho phát triển những mô hình kinh tế mới dựa trên thế mạnh sẵn có về vị trí chiến lược của vùng biển Cần Giờ”, ông Tuấn đề xuất.
Tìm lời giải cho bài toán hạ tầng
Thực tế, từ năm 2000 sau khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển, TP đã đưa vào quy hoạch và mục tiêu là biến Cần Giờ thành đô thị sinh thái phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối đang là nút thắt lớn nhất mà điểm nghẽn chính là cầu Cần Giờ.
Cuối tháng 9.2015, cầu Cần Giờ được đề xuất xây dựng để kết nối giao thông thuận tiện từ trung tâm của TP. Gần 2 năm sau, ngày 9.5.2017, Văn phòng Chính phủ mới chính thức có văn bản đồng ý cho TP.HCM xây dựng cầu Cần Giờ cùng 2 công trình khác. Tuy nhiên từ đó đến nay, người dân cũng chưa biết bao giờ dự án mới có thể khởi công.
Nguyên nhân, dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỉ đồng, trong đó vốn BOT khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, huy động theo hình thức BT khoảng 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên hiện nay, hình thức đầu tư BT đã bị xóa khỏi luật PPP nên nhà đầu tư phải đề xuất lại hình thức đầu tư. Sở GTVT phải làm lại toàn bộ thủ tục, trình sắp xếp lại nguồn vốn của dự án. Đáng nói, đến nay phương án đầu tư, nguồn vốn vẫn chưa có lối ra.
“Khả thi nhất về thủ tục hiện nay là đầu tư công nhưng lại khó về ngân sách. TP có Nghị quyết phát triển kinh tế Cần Giờ nhưng mạng lưới giao thông vẫn khó khả quan nếu không có chính sách đặc thù, đột phá”, một cán bộ Sở GTVT TP thừa nhận.
Bình luận (0)