Cần cơ chế gỡ khó trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế

16/11/2022 06:42 GMT+7

Các đại biểu cho rằng việc thiếu quy định riêng cho đấu thầu thuốc, thiết bị y tế đang là rào cản lớn gây thiếu thuốc, thiết bị y tế hiện nay.

Sáng 15.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường luật Đấu thầu sửa đổi. Cho rằng thời gian vừa qua “tiêu cực nhiều quá”, theo đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), chấp nhận làm chậm lại để không có tiêu cực, song mặt trái là nhóm mặt hàng đặc biệt là y tế để cứu chữa người bệnh, liên quan đến tính mạng người dân đang bị chậm lại do quy trình đấu thầu.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận

GIA HÂN

“Đồng ý vẫn có tiêu cực, nhưng phải xây dựng làm sao đảm bảo chất lượng thuốc. Nếu không lại phí thời gian làm luật mới mà không hiệu quả. Có quốc gia nào trên thế giới mà đấu thầu khốn khổ như chúng ta hay không?”, ĐB Lan nhìn nhận.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận luật Đấu thầu

MAI HÀ

ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng nêu ý kiến, để đảm bảo công tác đấu thầu công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tránh sai sót, vi phạm không đáng có, cần bổ sung vào dự thảo luật quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác. Đồng thời cần có quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, xử lý chỉ định thầu rút gọn.

Cũng quan tâm đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) cho rằng dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc là chưa đủ. Ông đề xuất ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế, do đây là lĩnh vực chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, cần phải xem vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: ‘Có quốc gia nào mà đấu thầu khốn khổ như chúng ta không?’

Từ góc độ khác, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình sửa đổi quy định “trong trường hợp cần thiết có thể đưa xuất xứ hàng hóa từ một số quốc gia hoặc một số vùng lãnh thổ để đảm bảo mua được hàng hóa có chất lượng cao”, tránh tình trạng đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung, dẫn đến hàng của các nước trong khu vực cùng tiêu chí kỹ thuật, giá rẻ nhưng chất lượng không tốt. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng trong ngành y tế không mua được thuốc tốt, với giá rẻ.

Ông Cường cũng lưu ý một thực tế vừa qua số lượng các đơn vị dự thầu không nhiều, chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, có thể do nguyên nhân "cài cắm" trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.

Tư nhân làm nhanh thế, nhà nước làm lâu vẫn tiêu cực?

Phúc đáp các ý kiến ĐB, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án luật. Theo ông, đấu thầu là một lĩnh vực phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, có nhiều luồng ý kiến đặt vấn đề nên nới lỏng hay siết chặt quy định để bảo đảm quản lý nhà nước?

“Có nhiều ý kiến nói tại sao tư nhân họ lại làm nhanh như thế, tại sao lại hiệu quả như thế? Nhà nước làm lâu như thế mà vẫn không hiệu quả, vẫn xảy ra tiêu cực, xảy ra nhũng nhiễu, mất rất nhiều thời gian. Bản chất là tư nhân thì đồng tiền đi liền khúc ruột nên quyết định rất nhanh; còn mình là sử dụng vốn nhà nước, phải thực hiện theo quy định của nhà nước”, ông Dũng nói.

Vì thế, ban soạn thảo nhất trí sửa đổi bất cập sửa thì không có nghĩa là mở hết ra theo hướng không quản lý chặt chẽ để trục lợi, để tiêu cực, để tham nhũng, để thất thoát. Phải hài hòa giữa quyền lợi nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu này, không để trục lợi, cũng không để vi phạm các quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng cho biết dự thảo luật cũng đã bổ sung rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này, như chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch...

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Dũng cũng chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến ĐBQH cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này. Song ông cũng cho rằng phải cân nhắc việc có chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, do không chỉ y tế có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong GD-ĐT, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh

Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục được QH bàn và cho ý kiến tại kỳ họp tới, dự kiến được ban hành và thông qua vào tháng 5.2023.

Xử lý sai phạm tại gần 1.000 dự án “làm nghèo đất nước”

Chiều 15.11, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, QH đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đạt kết quả rất quan trọng, tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu thuế; hàng nghìn dự án chậm tiến độ; công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.

Về giải pháp, QH thống nhất từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, trong năm 2023 phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí liên quan 52 dự án, cụm dự án đầu tư công không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc và 880 dự án, công trình không hoặc chậm đưa vào sử dụng đất...

Từ 1.7.2023 được đấu giá biển số ô tô

Với 473/489 ĐB tán thành, chiều qua QH biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ô tô trong 3 năm, thực hiện từ ngày 1.7.2023. Theo đó, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển nền trắng. Bộ Công an tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm công khai biển số ô tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử bộ, trang thông tin điện tử... Giá khởi điểm là 40 triệu đồng thống nhất trong cả nước; tiền đặt trước bằng giá khởi điểm; bước giá là 5 triệu đồng, thông qua đấu giá trực tuyến. Số tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách T.Ư theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Xây dựng khung pháp lý với tiền ảo, tài sản ảo

Với 483/488 ý kiến tán thành, chiều 15.11, QH đã biểu quyết thông qua luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), có hiệu lực từ 1.3.2023. Đáng chú ý, với tiền ảo, tài sản ảo, theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, việc mua bán, trao đổi các tài sản ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như rủi ro cho chính cá nhân tham gia. Do đó, luật đã quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.