Cần có chiến lược khuyến khích và hỗ trợ các start up công nghệ phục vụ logistics

26/11/2020 14:43 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi số là con đường ngắn nhất giúp chi phí logistics của Việt Nam giảm xuống, nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá. Muốn vậy, cần chiến lược khuyến khích và hỗ trợ các start up công nghệ phục vụ logistics.

Phải chuyển đổi số để giảm chi phí logistics là vấn đề được trao đổi nhiều nhất tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020” do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP.Hà Nội và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 26.11.
Diễn đàn lần này, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", còn có 2 hội thảo chuyên đề trong buổi chiều gồm: “Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội” cùng với “Chuyển đổi số trong logistics”.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, điểm sáng trong hoạt động thương mại thời gian vừa qua là xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm của người dân, ứng dụng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, điều này sẽ kéo theo việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hóa trong lĩnh vực thương mại và logistics qua đó đem lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp thương mại điện tử, cho hộ kinh doanh cá thể, cá nhân... nhờ việc giảm chi phí thuê cửa hàng, chi phí bán hàng trong khi lại mở rộng được thị trường trên môi trường mạng internet.
Cùng với đó, theo ông Tuấn Anh, với việc hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết, thực thi như CPTPP, EVFTA, và mới nhất là RCEP, sẽ tạo thuận lợi hóa thương mại và kết nối sản xuất hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực.
“Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, giảm thuế về 0%, thì RCEP lại hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, tạo thuận lợi hóa thương mại và kết nối sản xuất hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Do đó, RCEP sẽ là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế”, ông Tuấn Anh nói.
Đối với các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các hiệp định, ông Tuấn Anh cho biết “không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO”. Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.
“Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

"Cần chiến lược hỗ trợ các start up công nghệ phụ vụ logistics”

Chia sẻ vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra những sự điều chỉnh căn bản có thể định hình xu hướng ngành logistics trong dài hạn.
“Mà khía cạnh chủ chốt đó là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistics là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập”, ông Lộc nói.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, kiến nghị cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động logistics, ứng dụng công nghệ block-chain, trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi... nhằm phục vụ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu… để kéo giảm chi phí.
“Tuy nhiên, muốn vậy cần có chiến lược khuyến khích và hỗ trợ các start up công nghệ phục vụ logistics”, ông Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.