Chiều 26.10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức buổi Tọa đàm 20 năm Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng "Hành trình phát triển và lan tỏa". Tham dự tọa đàm có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN, và 60 cá nhân từng nhận Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng.
Nhiều nhà khoa học trẻ trở thành cán bộ chủ chốt
Phát biểu tại tọa đàm, anh Nguyễn Minh Triết cho biết trong suốt 20 năm qua, Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng đã tôn vinh những tài năng trẻ xuất sắc nhất trong cộng đồng khoa học - công nghệ trẻ VN.
"Chúng ta thấy tự hào về những điều mà người trẻ VN đã làm được. Nhiều công trình, ý tưởng nghiên cứu đột phá được biến thành hiện thực trong các lĩnh vực công nghệ mà giải thưởng xét trao giải. Các công trình nghiên cứu, các sản phẩm, các giải pháp, dịch vụ khoa học - công nghệ của các thế hệ Quả cầu vàng đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức trong nước cũng như toàn cầu về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, vật liệu mới và nhiều lĩnh vực khác", anh Triết đánh giá.
Theo anh Triết, các thế hệ tài năng trẻ nhận Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng được tôn vinh đã chứng minh rằng không có giới hạn nào đối với tiềm năng của thế hệ trẻ VN, khẳng định sự đóng góp của mình trên nhiều phương diện và là nguồn nhân lực khoa học - công nghệ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhiều người đã trưởng thành được giao các vị trí quản lý quan trọng tại các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ.
"Phần đông các anh chị là các chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Có thể nói, giải thưởng đã tôn vinh, ghi nhận những thành tích khoa học mà các anh chị đã đạt được. Ở chiều ngược lại, chính những nỗ lực, đóng góp của các anh chị đã tạo nên sức sống, sự lan tỏa của Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng", anh Triết đánh giá.
Anh Triết đề nghị các đại biểu cho ý kiến về kết quả triển khai giải thưởng thời gian qua, đề xuất các giải pháp phát triển, nâng cao tầm vóc, vị thế của giải thưởng thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp làm tốt công tác kết nối, phát huy tài năng trẻ tham gia phát triển khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển KT-XH, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cần có "sân chơi" cho nhà khoa học trẻ đạt giải
Chia sẻ tại tọa đàm, tiến sĩ Trần Quang Tuấn, Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN), chủ nhân của Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng năm 2008, cho biết sau 20 năm phát triển, giải thưởng rất có uy tín; nhiều cá nhân được giải thưởng đã phát huy được tài năng của mình. Tuy nhiên, tiến sĩ Tuấn cho rằng mặc dù Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến khoa học - công nghệ nhưng đến nay vẫn không có nhiều nhà khoa học đầu ngành, ít tổng công trình sư. Trong khi đó, có hàng trăm nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng có tiềm năng trở thành những người như vậy.
Theo tiến sĩ Tuấn, cần có chính sách đặc thù đột phá ươm mầm tài năng khoa học trẻ để họ trở thành chuyên gia, nhà khoa học "đầu đàn", tổng công trình sư trong tương lai. "Cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ để họ tiếp tục duy trì đam mê, cống hiến cho đất nước; có những hỗ trợ kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, lan tỏa phong trào nghiên cứu, khát vọng phát triển đất nước dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo", tiến sĩ Tuấn nói.
Tiến sĩ Tuấn cũng cho rằng Chính phủ đã ban hành Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030. Đây là cơ chế rất tốt để tổ chức Đoàn có cơ sở pháp lý cụ thể hóa thành các chương trình, giải pháp trong thời gian sắp tới của Đoàn.
"T.Ư Đoàn có thể nghiên cứu hình thành các quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, thông qua đó các công trình nghiên cứu có thể sớm được đưa vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, hướng tới thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên chính công trình của các cá nhân đoạt giải thưởng", tiến sĩ Tuấn đề xuất.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao giá trị của giải thưởng. TS-BS Đỗ Xuân Hai, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng y khoa (Học viện Quân y), người đạt Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng năm 2012, cho rằng hiện nay giải thưởng đã có uy tín trong giới khoa học trong và ngoài nước, có sức cuốn hút và lan tỏa lớn đối với các thanh niên đam mê khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của người Việt trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, giải thưởng muốn chất lượng tốt phải tạo ra được sân chơi công bằng, đủ đức, đủ tài, có thể chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về đổi mới sáng tạo theo từng chuyên ngành. Tiến sĩ Hai đề xuất cần lan tỏa hơn nữa về giải thưởng, hình ảnh của từng cá nhân đạt giải. "Cần có cơ chế tài chính tốt, có quỹ đầu tư mạo hiểm huy động từ chính cá nhân đã được giải thưởng, tạo sân chơi cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ", tiến sĩ Hai nói.
PGS-TS Đào Việt Hằng (Trường ĐH Y Hà Nội), Chủ tịch Mạng lưới trí thức trẻ VN toàn cầu, người đạt Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng năm 2021, cũng đề xuất cần kết nối các cá nhân đạt giải thưởng, thành lập nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực để họ giao lưu tốt hơn và dẫn dắt thế hệ trẻ.
Kết luận tọa đàm, anh Triết đồng tình với các ý kiến và cho rằng cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao giá trị giải thưởng, tạo sân chơi phát huy các cá nhân đạt giải sau tuyên dương. "Qua tọa đàm, chúng tôi thấy được trách nhiệm của T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN cần làm tốt hơn, để giải thưởng phát huy đúng tiềm năng của mình", anh Triết nói.
Theo ban tổ chức, đến nay nhà khoa học đạt giải thưởng nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, được Giải thưởng khoa học - công nghệ Quả cầu vàng lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2004 khi mới 12 tuổi, đang là học sinh lớp 6 (Trường THCS Ngô Tất Tố, TP.HCM). Các cá nhân đạt giải thưởng có 2 giáo sư, 41 phó giáo sư, 124 tiến sĩ; 185 người ở trong nước, 19 người ở nước ngoài.
Bình luận (0)