Việt Nam chỉ có thể làm tốt vai trò tổ chức ASIAD 18 năm 2019 nếu ngay từ bây giờ ngành TDTT sớm đề xuất Chính phủ có chính sách quốc gia để triển khai các công việc chuẩn bị một cách đồng bộ và hiệu quả.
Nhiều nỗi lo về bộ máy, cách làm, nguồn nhân lực
So với 2 kỳ tổ chức SEA Games năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG 3) năm 2009, ASIAD sẽ diễn ra tại Việt Nam trong 7 năm tới là một sự kiện đầy thách thức, có ý nghĩa về nhiều mặt đối với đất nước, như cú hích lịch sử nâng cao vị thế Việt Nam trên diễn đàn thể thao quốc tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều nỗi lo về bộ máy, cách làm và nguồn nhân lực hiện nay liệu có đủ sức chuyển đổi, tạo nên sức bật cho ASIAD?
|
Tôi cho rằng những nỗi lo của người hâm mộ đều hợp lý và xuất phát từ tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy để giải tỏa những lo lắng này, điều đầu tiên ngành TDTT cần rốt ráo thực hiện là phải đề xuất Chính phủ sớm có chính sách quốc gia về thể thao cho ASIAD 18, trong đó chính sách đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng. Vì nếu có con người tốt, đầy tâm huyết và có trách nhiệm thì ASIAD 18 sẽ đi đúng hướng theo chuẩn Olympic, đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Có chính sách rõ ràng, cụ thể, chúng ta mới có lộ trình với những mục tiêu trước mắt và lâu dài. Chẳng hạn năm đầu tiên 2013 tập trung cải tạo các công trình sẵn có, đồng thời từng bước xây dựng những cơ sở vật chất mới, 3 năm tiếp theo (2014 đến 2016) giải quyết mạnh mẽ việc đào tạo lứa tài năng mới cho ASIAD, 2 năm bản lề 2017-2018 tạo ra những lực đẩy để ASIAD trở thành sức bật của cả dân tộc và cuối cùng năm 2019 sẽ hoàn tất những cái đích mà chính sách đặt ra.
Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ công tác tổ chức và vận hành các khâu cho ASIAD đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, xuyên suốt, chặt chẽ trên tinh thần tiết kiệm. Chúng ta đã có nhiều bài học từ SEA Games, AIG 3 nên càng kỹ lưỡng và đồng bộ càng tốt. Cần phải vận động các nguồn lực đầu tư cho công tác chuẩn bị ASIAD như mạng lưới giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các khách sạn, các công trình thể thao phải được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Một trong những mục tiêu nữa của ASIAD, đó là phải quảng bá được hình ảnh đất nước, con người, những danh lam thắng cảnh và nét đặc trưng văn hóa Việt Nam, bên cạnh việc triển khai rốt ráo chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020. Có như thế du lịch cho ASIAD mới cất cánh, du khách sẽ quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.
Ông Trần Văn Mui
(nguyên thành viên Ủy ban Olympic VN)
Nhanh chóng đào tạo vận động viên
Tôi nghĩ rằng thời điểm này, ngành thể thao phải nhanh chóng có đề án xin Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV. Bởi trồng người là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp, không thể trong thời gian ngắn mà có thể hái quả. Nên nhớ tại SEA Games 22, chúng ta cũng phải chuẩn bị đội ngũ VĐV mất gần 10 năm. Như vậy, để có một lứa VĐV tốt, đủ sức chiến đấu để đem thành tích về cho đất nước thì chúng ta phải bỏ ra ít nhất 10 năm để chuẩn bị. Thậm chí như Trung Quốc, thời gian chuẩn bị còn gấp nhiều lần như thế. Trong khi ASIAD chỉ còn 7 năm nên nếu chậm chân tôi nghĩ là không kịp. Bởi với thế hệ VĐV như hiện tại, tôi đánh giá sẽ khó đủ sức tranh tài sòng phẳng ở tốp đầu với các nước tại ASIAD trong 7 năm tới, nhất là trong các môn cơ bản của Olympic, chứ không phải là những môn mà chúng ta cơ cấu vào để có huy chương.
Những năm qua, thể thao Việt Nam đã đào tạo được lứa VĐV tương đối tốt. Nhưng đa phần cách làm của thể thao Việt Nam hiện vẫn có cái gì đó phập phù, chúng ta đang bị trống rất nhiều đội ngũ kế cận về lực lượng VĐV. Sau Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Tiến Minh, Phan Thị Hà Thanh, Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Xuân Vinh... hiện TTVN chẳng có ai xứng tầm phía sau họ. Nhìn về phía sau thì thật đáng lo bởi hiện chưa thấy nhân tố nào đủ sức kế thừa. Trong 7 năm tới, sẽ rất khó cho chúng ta có được một thế hệ mới tài năng, đủ sức tranh đua trong các môn Olympic.
Cùng với lực lượng VĐV, bộ máy điều hành, tổ chức đại hội cũng là khâu quan trọng. Chúng ta đã trải qua SEA Games và AIG 3, nhưng đó là 2 sự kiện thể thao có quy mô vừa phải. Trong khi đó, với ASIAD, Việt Nam sẽ phải có lực lượng điều hành, tổ chức lên tới hàng chục nghìn người. Nhìn vào thực tế hiện tại thì đa số các liên đoàn thể thao đều không có kinh nghiệm trong khâu tổ chức. Đây thật sự là một nỗi lo lớn cho những người làm công tác chuyên môn. Làm thế nào để có được một đội ngũ chuyên nghiệp trong việc tổ chức ASIAD là một bài toán không dễ dàng trong vài năm tới.
Ông Nguyễn Hồng Minh
(nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT)
Đăng Khoa
(ghi)
Bình luận (0)